Theo Cổng thông tin quận Gò Vấp, vùng đất này được khai phá từ những ngày đầu khi lưu dân Việt đi mở đất từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn kinh lý miền Nam, xác lập chủ quyền cương thổ của Việt Nam ở vùng đất mới thì đất Gò Vấp đã có tên trong sổ bộ, thôn, xã thuộc huyện Tân Bình - phủ Gia Định.
Theo sử liệu cũ, nguồn gốc của danh gọi Gò Vấp là do ở nơi gò cao này có một rừng cây vắp bao phủ (cây này trong tiếng Chăm là Krai, hiện có trong Thảo Cầm Viên). Đất gò có một rừng vắp, người xưa ghép nối lại thành Gò Vắp, lâu ngày truyền tụng nói trại đi thành Gò Vấp.
Trong các huyện, tên gọi huyện Hóc Môn có lịch sử tên gọi khá thú vị. Theo sách Hỏi đáp Sài Gòn - TP HCM, địa danh Hóc Môn xuất hiện muộn nhất từ đầu thế kỷ 19. Năm 1915, Hóc Môn là một trong bốn trạm hành chính của tỉnh Gia Định, hai năm sau đó đổi thành quận Hóc Môn.
Năm 1970, Hóc Môn là một trong tám quận của tỉnh Gia Định. Sau năm 1976 trở thành huyện Hóc Môn, sau đó bảy xã của huyện này được tách ra để thành lập quận 12 thuộc TP HCM.
Có người giải thích "Hóc" có nghĩa là chỗ xa xôi, "Môn" là cây môn nước. Ban đầu Hóc Môn chỉ vùng đất xa xôi, vắng vẻ, nơi trồng nhiều cây môn nước, sau trở thành địa danh hành chính.
Cũng có cách giải thích khác, rằng "Môn" đúng là cây môn nước bởi ở Sài Gòn có nhiều địa danh mang yếu tố này như: rạch Môn (Thủ Đức), cầu và rạch Bàu Môn, xóm Bưng Môn (Củ Chi). Còn "Hóc" đồng nghĩa với xép, nghĩa là dòng nước nhỏ.