Thông tin được Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM đưa ra tại lớp đào tạo chuyên sâu về đánh giá và quản lý rủi ro do chuyên gia Singapore tổ chức ngày 8/10. Khóa huấn luyện giúp nâng cao chuyên môn nhân viên quản lý, chăm sóc cây trồng của thành phố trong bối cảnh địa phương xảy ra nhiều tai nạn liên quan cây xanh.
Thống kê của công ty cho thấy, số lượng 7.600 cây cao 20-50 m trồng ở nhiều đường trung tâm TP HCM xếp vào cây xanh loại 3 (cao từ 12 m, đường kính 50 cm trở lên). Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, cho hay cây ở độ cao này, đơn vị chăm sóc gặp khó khăn khi kiểm tra, xử lý khiếm khuyết do chưa đủ phương tiện để đưa người lên tiếp cận.
Ngoài ra, hiện chưa có thiết bị, máy móc tiên tiến để đánh giá tình trạng cây mà dựa vào kinh nghiệm, quan sát trực quan. Trong khi đó, một số loại cây như sao, dầu có nhánh phát triển tự nhiên hình đuôi sư tử, to dần về phần ngọn làm mất cân bằng, dễ gãy nhánh. Ví dụ như trường hợp nhánh cây dầu rơi từ độ cao 25 m đè hai người bên dưới tử vong tại công viên Tao Đàn hồi tháng 8.
Chia sẻ tại lớp này, ông Eric Ong, Giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks), cho biết cây xanh ở đường phố có độ cao trên 20 m sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gãy, đổ. Tại Singapore, cây xanh trên đường phố không quá 15 m, còn trong công viên hoặc khu bảo tồn thì không hạn chế.
Theo ông Ong, sự cố cây gãy do nhiều nguyên nhân như rễ hư hỏng, bật gốc, mối mục, thân bọng khiến cây yếu gãy ngang hoặc tán lá không cân đối. Để kiểm tra những khiếm khuyết này, Nparks sử dụng công nghệ siêu âm cắt lớp, nhiệt kế hồng ngoại lập biểu 3D mặt cắt của cây hoặc dùng máy mũi khoan phản lực kiểm tra thân, gốc rễ cây. Chi phí một máy khoan khoảng 400 triệu đồng, còn máy siêu âm cắt lớp gần 900 triệu đồng.
Để đề phòng những cây lớn gãy đổ, đơn vị quản lý cây xanh tại Singapore đã gắn 3.000 máy cảm biến độ nghiêng trên các thân cây. Máy này có lắp sim truyền tín hiệu về trung tâm xử lý, nếu cây nghiêng đột ngột 5 độ so với phương thẳng đứng, phía quản lý sẽ lên phương án đốn hạ hoặc chằng chống.
"Cần khống chế độ cao cây xanh ở đường phố, tính toán tỉa nhánh, tán lá cân đối để đảm bảo an toàn", ông Ong nói.
Gần đây, khi đơn vị cắt tỉa, đốn hạ cây xanh trên địa bàn TP HCM để phòng ngã đổ, nhiều ý kiến cho rằng cây bị cắt quá tay, trơ trụi không còn sức sống. Ông Eric Ong cũng chia sẻ kinh nghiệm tại Singapore, là nước có mật độ cây xanh cao nhất thế giới nhưng quá trình xử lý cây cũng xảy ra nhiều ý kiến trái chiều. Để hạn chế việc này, đơn vị phụ trách dán thông báo trên thân cây chuẩn bị đốn bỏ để lý giải, người dân thắc mắc có thể gọi điện trực tiếp hỏi chuyên gia.
TP HCM đang có hơn 200.000 cây xanh trồng trên hơn 1.200 tuyến đường, được chia thành 4 loại, gồm: cây mới trồng, loại 1, 2, 3. Trong đó, những cây loại 2 và 3 thuộc diện trồng lâu năm, kích thước lớn và cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ. Đây đang là loại tập trung nhiều ở các tuyến đường trung tâm thành phố, trường học, cơ quan, công sở...
Hai tháng qua, thành phố xảy ra nhiều vụ cây gãy đổ làm 3 người chết, 4 người bị thương. Sau các sự cố, Công ty Công viên cây xanh TP HCM dùng flycam hỗ trợ kiểm tra tình trạng cây để dùng cáp neo các cành, nhánh lớn vào thân đối với các loại sao đen, dầu; lập tổ gồm kỹ sư, chuyên gia lâu năm, công nhân lành nghề để kịp thời đánh giá rủi ro xử lý cây hư hại.
Đình Văn