Thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP HCM, cho biết tại họp báo tình hình kinh tế, xã hội, chiều 3/8.
Ngoài 6 đơn vị cấp huyện, thành phố còn có 149 đơn vị cấp xã chưa đủ điều kiện về dân số và diện tích cũng thuộc diện sắp xếp. Thời gian qua, thành phố đã sắp xếp được 7 đơn vị.
Theo văn bản số 19/2023 của Văn phòng Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, cấp quận phải có dân số từ 150.000 người, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên và ít nhất 10 phường. Cấp huyện ở khu vực đồng bằng có dân số từ 120.000 người, diện tích từ 450 km2 và 13 xã, thị trấn trở lên.
Còn theo Nghị quyết 117 năm 2023 của Chính phủ ban hành ngày 30/7, các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm 3 trường hợp:
Thứ nhất, cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; thứ hai, đơn vị hành chính cấp huyện diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn; thứ ba, cấp xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
Hiện TP HCM có 16 quận, 5 huyện, một thành phố với 312 phường, xã, thị trấn. Trong đó, có 21 đơn vị cấp huyện và 223 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số.
Như vậy, các địa phương thuộc diện sắp xếp là những quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số dưới 300.000 người; các huyện có dân số dưới 240.000 người và diện tích dưới 90 km2.
Sáu quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số thường trú dưới 300.000 người gồm: quận 3 (4,92 km2), quận 4 (4,18 km2), quận 5 (4,27 km2), quận 10 (5,72 km2), quận 11 (5,14 km2) và Phú Nhuận (4,6 km2).
Ông Hiếu cho biết, theo Nghị quyết 35, có 4 trường hợp đặc thù không thuộc diện sắp xếp (địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; điều kiện giao thông; vị trí địa lý). Hiện Sở Nội vụ phối hợp các địa phương rà soát từng xã, phường, thị trấn để xem xét yếu tố đặc thù để đưa vào diện chưa sắp xếp.
Theo quy định, việc sáp nhập địa giới hành chính cần phải lấy ý kiến người dân. Nếu trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành phương án, HĐND các cấp thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp.
Sau khi được HĐND thành phố thông qua, UBND TP HCM sẽ hoàn chỉnh đề án trình Bộ Nội vụ, để bộ này cùng Bộ Tư pháp thẩm định. Tiếp đó, Bộ Nội vụ và TP HCM sẽ xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Pháp luật Quốc hội và cuối cùng là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Từ năm 1975 đến nay TP HCM trải qua 7 lần tách, nhập các đơn vị hành chính, mới nhất là lần sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức và 19 phường vào cuối năm 2020.
Lê Tuyết