Theo giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, thành phố đã ghi nhận 211 ca Covid-19, tính riêng chuỗi Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Tuy nhiên thành phố đã chuẩn bị hơn 1.000 giường điều trị tại hai bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ được xây dựng mới, rất khang trang và đầy đủ trang thiết bị điều trị, với 600 giường.
"Kịch bản 5.000 ca nhiễm cũng đã được ngành y tế chuẩn bị từ năm ngoái, luôn sẵn sàng kích hoạt", ông Bỉnh nhấn mạnh.
Ngoài 1.000 giường điều trị Covid-19 hiện có, Sở Y tế đã lên phương án tăng số giường điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, mỗi nơi thêm 500 giường.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ trưng dụng 1.000 giường của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9 đang chuẩn bị khánh thành; Viện Truyền máu Huyết học cũng sẵn sàng 350 giường, có thể nâng lên 500 giường, sử dụng bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, thành phố đã tính đến phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), công suất khoảng 1.000 giường.
Về nguồn nhân lực y tế, ông Bỉnh khẳng định luôn sẵn sàng và có thể đáp ứng được tình hình dịch. Năm 2020, nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện mới chỉ hoạt động 70% công suất. Từ đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đến nay, do dịch diễn biến phức tạp, người dân tỉnh đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố giảm hẳn. Do đó nhân lực y tế mới hoạt động 50% công suất.
"Bệnh viện nào hiện ca Covid-19 trong nội trú thì 'lock' toàn bộ bệnh viện đó, chờ kết quả xét nghiệm sẽ tính phương án tiếp theo", giám đốc Sở Y tế nói về quy định giám sát phòng chống dịch nghiêm ngặt tại cơ sở y tế.
Sở Y tế không phân công các bệnh viện đa khoa nào tiếp nhận điều trị ca Covid-19, chỉ giao các bệnh viện chuyên khoa nhận bệnh, để đảm bảo tránh lây nhiễm chéo. Ngoài các bệnh viện trực thuộc quản lý của Sở Y tế, thành phố còn có ba bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, gồm Chợ Rẫy, Thống nhất và Đại học Y dược TP HCM. Ba bệnh viện này luôn sẵn sàng hỗ trợ, chi viện ngay cho y tế địa phương về cả trang thiết bị và nhân lực, nhất là nhân sự chuyên khoa Hồi sức cấp cứu.
Về các khu cách ly tập trung, thành phố hiện có 72 khu cách ly với gần 10.500 chỗ, khi cần có thể huy động 9 khu của quân đội và ký túc xá Đại học Quốc gia, nâng tổng công suất khoảng 30.000 giường. Mỗi phòng cách ly tại khu quân đội chỉ bố trí tối đa 2 đến 4 giường, đảm bảo khoảng cách giãn cách hai mét.
Ngành y tế đã tổ chức hơn 600 đội lấy mẫu từ các bệnh viện, trung tâm y tế và lực lượng sinh viên y khoa. Trong tình huống khẩn cấp có thể huy động lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm trong 24 giờ. Năng lực xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể tăng công suất lên tối đa 35.000-40.000.
Theo ông Bỉnh, hiện lực lượng chức năng xác định hội truyền giáo có 55 thành viên, song 40 thành viên đã dương tính với nCoV, lây lan cho hơn 150 người, ở 20 quận huyện. Tính đến sáng 1/6, thành phố đã ghi nhận 211 ca Covid-19 trong chuỗi lây nhiễm của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng (Bộ Y tế mới định mã số bệnh nhân 192 người).
Tổng số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các ca dương tính đã xác định được là 3.028 người. Trong đó 2.057 mẫu đã có kết quả xét nghiệm âm tính, còn lại đang chờ kết quả do mới phát hiện và lấy mẫu.
"Số ca nhiễm liên quan hội thánh dự báo có thể tăng lên đến 500. Còn một số lượng lớn các F1 đang cách ly tập trung, được giám sát y tế chặt chẽ", ông Bỉnh dự báo.
TP HCM đang tập trung xét nghiệm bao vây diện rộng, với 50.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày ở các khu vực nguy cơ cao. Gần 200.000 người tiếp xúc với chuỗi ca nhiễm và thuộc diện tầm soát diện rộng tại thành phố đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Thư Anh