0h ngày 9/7, TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ hai kể từ khi đại dịch xuất hiện, song bối cảnh lần này hoàn toàn khác. Chủng virus Delta tốc độ lây lan nhanh, dịch xâm nhập các bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư, tất cả chợ đầu mối...
Thành phố cũng đã áp dụng nhiều biện pháp giãn cách, đặc biệt là Chỉ thị 10 nâng cấp độ chống dịch từ hôm 20/6 đến nay. Nhưng 20 ngày qua, trung bình TP HCM ghi nhận 374 ca/ngày - cao gấp 5,8 lần so với trung bình 64 ca theo ngày trước đó, tính từ thời điểm bùng phát dịch vào ngày 27/5. Tám ngày liên tiếp từ 1/7, TP HCM ghi nhận trên 400 ca mỗi ngày, hơn 20% là những ca ngoài cộng đồng. Đến tối 8/7, tổng nhiễm tại thành phố vượt 9.000 và chưa có dấu hiệu dừng lại, so với 54 ca thời điểm giãn cách xã hội vào tháng 4/2020.
Vì vậy, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, theo yêu cầu của Chính phủ, chính quyền TP HCM cho biết đã chuẩn bị các phương án về điều trị, nơi cách ly cũng như nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho 10 triệu dân.
![Lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại quận Gò Vấp, ngày 3/7. Ảnh: Quỳnh Trần.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/09/QUYN5486-7175-1625768631.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zXAFb9Rxweb4QbWqQ05s0w)
Lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại quận Gò Vấp, ngày 3/7. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trong đó, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng được xem chiến lược quan trọng để tìm kiếm F0, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Hiện TP HCM có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Thành phố thông tin, công suất xét nghiệm hiện đạt 400.000 mẫu gộp một ngày. Từ ngày 26/5 đến nay, xét nghiệm được hơn 1,7 triệu mẫu.
Công tác xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả tầm soát Covid-19 thời gian qua được đánh giá cho còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Do đó Sở Y tế đề xuất tổ chức lại quy trình tổ chức xét nghiệm Covid-19 và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm. Một Phó Chủ tịch UBND TP HCM được giao chỉ đạo chung về tổ chức xét nghiệm.
Các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, lấy mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 trả kết quả trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.
Các cơ sở xét nghiệm khẳng định Covid-19 nhiệm vụ xét nghiệm cho quận huyện và chịu sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Trong đó, mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1 và nghi F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu.
Về năng lực điều trị, giữa tháng 5 khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản (dưới 100 ca; 1.000 ca; 5.000 ca) ứng phó, nhưng sau 45 ngày sau số ca nhiễm đã vượt 5.000 - tình huống nghiêm trọng nhất. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho thành phố cần tăng cường năng lực điều trị.
![Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 đặt tại tòa nhà khu tái định cư Bình Khánh (phường An Khánh) với quy mô 3.000 giường và gần 200 người phục vụ, gồm các y bác sĩ, nhân viên hậu cần, bảo vệ... Ảnh: Hữu Khoa.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/08/Saigon-Huu-Khoa-1-1625673081-2678-1625722522.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U5_KWh3Z85mUogmWTyrIww)
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 đặt tại tòa nhà khu tái định cư Bình Khánh (phường An Khánh) với quy mô 3.000 giường và gần 200 người phục vụ, gồm các y bác sĩ, nhân viên hậu cần, bảo vệ... Ảnh: Hữu Khoa.
Hiện, ngoài 5.000 giường từ các bệnh viện được chuyển đổi công năng, TP HCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến với tổng công suất 12.000 giường. Trong đó, ba bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức, quận 12 và huyện Bình Chánh với 8.000 giường bệnh hoạt động từ đầu tháng 7; hai cơ sở thu dung điều trị tại hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM với công suất 4.000 giường.
Thành phố cũng đang triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế: cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện trung tâm thành phố).
Họp với Chính phủ sáng qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị 20.000 ca nhiễm.
Về khả năng cách ly, hiện TP HCM có 11 khu cách ly tập trung cấp thành phố với gần 10.400 giường (đang cách ly gần 7.000 người); 59 cơ sở cách ly cấp quận huyện với công suất hơn 6.800 giường (đang cách ly gần 4.300 người); 58 khách sạn cách ly thu phí công suất gần 4.870 giường (đang cách ly hơn 3.200 người). Tính đến sáng 8/7, 15.007 người đang cách ly tập trung. Như vậy, thành phố còn trống khoảng 7.000 giường cách ly.
Thành phố đã lên kế hoạch dùng gần 1.300 căn hộ tái định cư ở huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức làm nơi cách ly tập trung các ca F1. Hôm qua, UBND thành phố đồng ý thí điểm cách ly ca F1 nguy cơ thấp tại nhà ở các quận huyện theo hướng dẫn Bộ Y tế nhằm giảm quá tải cho các khu cách ly tập trung.
Sau khi dịch bùng phát, gần một nửa chợ truyền thống - tương đương gần 110 chợ và khoảng 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở TP HCM phải đóng cửa do liên quan các ca nhiễm. Điều này đặt ra thách thức về chuỗi cung ứng thực phẩm cho hàng triệu hộ dân thành phố.
![Hàng hóa tại kênh siêu thị ở TP HCM được châm liên tục. Ảnh: Tất Đạt.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/08/212836348-279841003894954-9127-8862-8524-1625722522.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dSFLdtJYOjS2amR1vSoFFA)
Người dân mua sắm ở siêu thị thời gian TP HCM sắp giãn cách xã hội. Ảnh: Tất Đạt.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đời sống người dân. Thành phố khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ người dân khi dự trữ 120.000 tấn thực phẩm, gấp ba lần thông thường, riêng Saigon Co.op dự trữ 26.000 tấn thực phẩm/tháng
Đồng thời, 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương sẽ hoạt động đảm bảo nhu yếu phẩm. Thành phố cũng đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị; tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.
Ngày 7/7, Bộ Công Thương lần đầu tiên đã lập ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ cũng kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ sẵn sàng các nguồn hàng thiết yếu. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương mua bán theo hình thức trực tuyến, cung cấp hàng qua hệ thống tình nguyện viên...
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều tổ công tác được thành lập để nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ với tổng kinh phí 886 tỷ đồng. Dự kiến ba tuần nữa 230.000 lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch sẽ nhận được tiền.
Hữu Công