Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng vừa chấp thuận chủ trương thực hiện trước dự án xây dựng kè bảo vệ địa đạo Củ Chi, đoạn từ ranh giới huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) đến hết khu vực khu di tích, nhằm hạn chế xói lở có nguy cơ ngày càng mở rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến Đền Bến Dược, Bến Đình.
Tuyến kè thực hiện trong giai đoạn một, có chiều dài hơn 2,3 km với tổng mức đầu tư khoảng 155 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố. Riêng giai đoạn 2 của dự án (đoạn từ Khu di tích địa đạo Củ Chi đến chân cầu Bến Súc dài hơn 1,5 km), thành phố sẽ xem xét tính cấp bách, khả năng cân đối ngân sách và có quyết định sau khi giai đoạn một của dự án hoàn thành.
Trước đó, hồi đầu năm, lãnh đạo UBND TP HCM có chuyến khảo sát thực trạng tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và ghi nhận tình trạng sạt lở ở khu vực giáp ranh TP HCM - Tây Ninh diễn ra nghiêm trọng. Nhiều vị trí nước ăn sâu hơn 10 m tạo thành hàm ếch, đất sạt rộng làm sập cả đường cống thoát nước…
Theo UBND thành phố, địa đạo Củ Chi là khu vực đầu tiên của thành phố bị ảnh hưởng khi hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) xả lũ. Thêm nữa, dòng chảy của sông Sài Gòn ngày càng phức tạp, tác động lên bờ lõm - phía địa đạo gây ra xói lở. Vì vậy các đơn vị cần triển khai ngay biện pháp bảo vệ bờ sông, tránh tình trạng xói lở lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến địa đạo Bến Dược, Bến Đình.
Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) là Di tích Lịch sử cách mạng nổi tiếng cách trung tâm TP HCM 70 km về phía Tây Bắc. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu...
Hệ thống đường hầm bí mật này được đào từ thời kháng chiến chống Pháp (1948), lúc ấy mới chỉ có khoảng 17 km. Sau năm 1960, hệ thống tiếp tục củng cố, phát triển thêm tới trên 200 km, gồm 3 tầng, tầng sâu nhất từ 8-10 m. Củ Chi được gọi là quê hương của “chiến tranh địa đạo” và được phong tặng danh hiệu “đất thép thành đồng”. Sau giải phóng, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi là một trong ba di tích cấp Quốc gia được Nhà nước xếp hạng và công nhận sớm nhất ở TP HCM.
Liên quan đến việc tôn tạo Khu di tích lịch sử Củ Chi, UBND TP HCM đã giao các sở, ngành chức năng xây dựng hình ảnh Khu Di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với khách du lịch trong và ngoài nước bằng nhiều giải pháp như: Tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, bảo đảm chất lượng và đa dạng; phát triển điểm đến khu di tích trên cả tuyến đường bộ và đường sông; tăng cường quảng bá, giới thiệu ý nghĩa lịch sử của Bến Dược; khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt từ trung tâm thành phố đến Khu Di tích... Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng chấp thuận chủ trương xây dựng hai cầu tàu đón khách đường sông tại Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Khu Di tích lịch sử địa đạo Bến Đình với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. |
Trung Sơn