Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông (quận 9) và giao Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư công trình với tổng số vốn giai đoạn một gần 900 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công trong quý IV, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
Theo Sở, việc xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông nhằm góp phần khép kín đường vành đai 2 thành phố theo "Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020" đã được Thủ tướng phê duyệt; đồng thời kết nối vành đai phía đông với khu công nghệ cao và xa lộ Hà Nội giúp giảm bớt lượng xe xuyên tâm cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Trong giai đoạn một, sẽ xây dựng nhánh cầu riêng biệt 4 làn xe (bằng 1/2 cầu hoàn chỉnh) bên trái tim tuyến quy hoạch được duyệt (theo hướng từ cầu Phú Mỹ đi về phía xa lộ Hà Nội), xây dựng nút giao cùng mức giữa cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông với đường D2 thuộc khu công nghệ cao và đoạn đường nối từ cầu Rạch Chiếc ra xa lộ Hà Nội.
Theo Khu quản lý đô thị số 2, dù theo quy hoạch đường vành đai phía đông phải kết nối ra ngã tư Bình Thái (Thủ Đức), nhưng hiện vị trí này mặt bằng do dân cư quá đông và phải xây dựng nút giao Bình Thái chi phí trên 4.000 tỷ đồng nên rất khó triển khai trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, thành phố đã chọn phương án kết nối đường vành đai phía đông vào khu cao nghệ cao và nút giao trạm 2.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70 km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đặc biệt giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố. Các phương tiện vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải xuyên qua khu vực nội thành.
Hữu Công