Ngày 12/11, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM cho biết, thiết bị hỗ trợ dạy học này mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, có tác dụng giúp giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tiếp trên bảng.
Việc mở rộng đưa bảng tương tác vào trường học là một trong những nội dung quan trọng của đề án nâng cao chất lượng giảng dạy, hiện đại hóa các thiết bị trường học do UBND TP HCM phê duyệt. UBND chỉ đạo Sở lên kế hoạch từng bước triển khai cho tất cả trường học, bậc học mà trước tiên là ở các trường mầm non và tiểu học trang bị với giá 181 triệu đồng mỗi chiếc. Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ 50%, còn lại nhà trường sẽ vận động đóng góp từ phụ huynh.
Theo cô Vũ Thị Mai Xinh, giáo viên trường mầm non Mai Anh, người có kinh nghiệm giảng dạy bằng thiết bị này, cho rằng cách dạy mới thu hút học sinh hơn. Với một bài học về bức tranh toàn cảnh có con gà, con bò, đồng cỏ... chỉ cần click vào các con vật thì phần mềm sẽ phát ra tiếng gáy, bò rống. Cô có thể chèn thêm phần người nông dân vắt sữa bò vào bức tranh để giảng cho học sinh hiểu thêm về việc nuôi bò sữa để làm gì. Không những vậy bảng còn có nhiều phần mềm khác hỗ trợ học sinh học tốt tiếng Anh, hình ảnh và âm thanh rất sinh động.
![IMG-0157-JPG-7852-1384243544.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/11/12/IMG-0157-JPG-7852-1384243544.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cuC3N6OTHY8kFXcdGmzlbw)
Bảng tương tác giúp bài giảng sinh động hơn nhưng phụ huynh vẫn rất e ngại về tính hiệu quả và giá thành của nó. Ảnh: Nguyễn Loan.
Tương tự, một giáo viên ở trường tiểu học Minh Đạo (quận 5) cũng cho rằng, việc dạy học bằng bảng tương tác làm cho bài giảng sinh động, thực tế hơn vì có thể tương tác trực tiếp trên bảng nên sẽ hạn chế được những nhược điểm như phải điều khiển bằng máy tính.
Tuy vậy, việc đưa bảng tương tác vào trường học vẫn còn khiến rất nhiều phụ huynh và giáo viên băn khoăn về vấn đề hiệu quả và kinh phí. Cô Xinh cho rằng, các học trò của cô chỉ mới 5 tuổi nên chủ yếu sử dụng đến phần mềm nghệ thuật tạo hình về âm nhạc và tranh ảnh, những chức năng còn lại chưa phù hợp để dạy học sinh mầm non. Chưa kể đến việc độ sáng của bảng hơi mạnh và bảng quá lớn so với tầm mắt và tầm cao của học sinh.
Chị Mai Lan, một phụ huynh có con học tiểu học cũng lo ngại về vấn đề hiệu quả mà bảng tương tác mang lại khi mỗi trường chỉ được cấp 1 -2 bảng. Mỗi năm con chị chỉ được tiếp xúc với bảng khoảng 3 lần, mỗi lần tối đa là 15 phút, trong khi mỗi tháng phụ huynh phải đóng 15.000 đồng và đóng liền trong 2 năm. Nhiều phụ huynh khác cũng rất e ngại khi phải đóng thêm một khoản tiền để mua sắm trang thiết bị mà chưa biết hiệu quả như thế nào.
Lãnh đạo các Phòng giáo dục cũng cho biết, rất nhiều trường từ chối nhận bảng vì lo không thu đủ tiền để trả. Là một trong những huyện nghèo, Phòng giáo dục huyện Bình Chánh đã nhận về 40 bảng nhưng chỉ bàn giao được 26 cho các trường. Tương tự ở quận Phú Nhuận nhận về 42 bảng nhưng cũng chỉ bàn giao được 28, quận 7 nhận về 44 bảng bàn giao được 23.
Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM Lê Hoài Nam cũng xác nhận, việc đưa bảng vào trường học còn gặp rất nhiều khó khăn khi gần 100% giáo viên không biết sử dụng nên khi mua bảng thì phải đi học. Bảng có rất nhiều chức năng, ứng dụng, nhưng không phải giáo viên nào cũng biết và sử dụng có hiệu quả dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình giảng dạy. Hơn nữa, việc đưa bảng vào sử dụng chưa thể thực hiện đồng bộ, mỗi trường chỉ mới trang bị được 1 - 2 máy nên số giờ học của học sinh cũng còn hạn chế. "Tuy nhiên, đây là bước đầu cho học sinh làm quen với thiết bị mới, Sở sẻ phối hợp với các trường đồng bộ bảng học trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo nhu cầu học tập của các em", ông Nam nói
Cũng theo ông Nam, trước khi thực hiện đại trà ở các quận huyện, Sở Giáo dục TP HCM đã chọn quận 5 để tổ chức đấu thầu công khai mua sắm thiết bị. Do vậy đến nay chỉ có một số trường mầm non và tiểu học ở quận này đang sử dụng bảng tương tác. Trong khi đó, các nơi khác đã nhận bảng về nhưng vẫn đang chờ... tập huấn. Còn học sinh đã đóng tiền nhưng chưa được sờ tới bảng.
Theo thống kê từ Phòng tài chính Sở Giáo dục, để thực hiện đề án này, bước đầu TP HCM sẽ trang bị 412 bảng cho các trường mầm non và 582 bảng cho trường tiểu học với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng, trong đó phụ huynh sẽ phải đóng khoảng 90 tỷ đồng. Các trường phải cam kết trong 2 năm trả đủ số tiền mua bảng nên họ đã chia đều cho các học sinh để thu. Vì số học sinh và số bảng ở mỗi trường khác nhau nên số tiền thu trên đầu mỗi phụ huynh cũng khác nhau.
Nguyễn Loan