Nội dung được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nói tại buổi giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015-2023, chiều 12/7.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ giao TP HCM phát triển 26.200 căn nhà ở xã hội. Còn thành phố đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn (bao gồm cả nhà lưu trú công nhân) với 37 dự án. Mục tiêu này đến năm 2030 là 69.700 căn.
Để hoàn thành được số căn này, theo ông Khiết, từ nay đến năm 2025, TP HCM cần 37.700 tỷ đồng nhưng nguồn ngân sách chỉ có khả năng bố trí khoảng 3.770 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư tăng lên 86.400 tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố cũng chỉ bố trí được 8.600 tỷ đồng.
"Thành phố chỉ bố trí được 10% tổng vốn cần để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội", ông Khiết nói. Do đó, để đạt được kế hoạch rất cần huy động được nguồn vốn từ xã hội, nếu không sẽ khó đạt được chỉ tiêu đề ra.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016- 2020, nhà ở xã hội ở TP HCM phát triển mạnh mẽ, với 19 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường hơn 14.900 căn. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2023, số dự án nhà ở xã hội hoàn thành giảm mạnh. Trong khi diện tích sàn nhà ở toàn thành phố tăng thêm 19,74 triệu m2 thì nhà ở xã hội chỉ tăng thêm 0,062 triệu m2, chiếm 0,31%. Năm 2023 không có dự án nào hoàn thành.
Về giá bán, giai đoạn 2015-2023, thành phố đã thẩm định giá của 11 dự án cho thuê, thuê mua. Theo đó, mỗi m2 (chưa VAT) sàn căn hộ có giá cao nhất là 17,2 triệu đồng và thấp nhất 12 triệu đồng.
Vốn từ ngân sách hạn hẹp song việc huy động vốn từ xã hội hiện gặp nhiều rào cản, các chính sách thu hút đầu tư vào phân khúc này không làm doanh nghiệp mặn mà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng hiện nay, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác nên đây là bất cập. Ngoài ra, ưu đãi với chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn. Hiện, quy định lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội chỉ 10% trong khi có nhiều chi phí không tên. Do đó, cần nâng mức lợi nhuận lên 15% để thu hút nhà đầu tư.
Cũng theo ông Châu, pháp luật nhà ở cho phép doanh nghiệp làm nhà ở xã hội 100% cho thuê được giảm 70% tiền sử dụng đất nhưng thực tế luật thuế không cho. Do đó, mức giảm thuế của các dự án này cũng chỉ 50%.
Lãnh đạo HoREA cũng cho rằng nhiều vướng mắc pháp lý khiến doanh nghiệp không mặn mà, cụ thể ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp mua đất làm nhà ở xã hội được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số, không phù hợp quy hoạch phân khu. Do đó, doanh nghiệp không được cấp chủ trương đầu tư.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, khoảng 476.000 hộ dân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình trên địa bàn TP HCM chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân. Theo dự báo, sau 5 năm số hộ có nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh mỗi năm thành phố tăng cơ học 200.000 người, là dân từ các tỉnh khác đến làm ăn sinh sống.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở thương mại đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng giá cao, tăng liên tục và tập trung phân khúc trung, cao cấp, khó tiếp cận đối với người thu nhập thấp, công nhân, lao động nhập cư trong khi đó nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở mà TP HCM đề ra giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sàn xây dựng về nhà ở cần phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đến hết năm 2025 đạt 23,5 m2. Tuy nhiên, sau ba năm của kỳ kế hoạch 2021-2025 tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở chỉ được 19,74 triệu m2, tức đạt 39,5% chỉ tiêu và diện tích nhà ở bình quân đầu người mới đạt 21,67 m2 (khoảng 92% chỉ tiêu).
Lê Tuyết