Thông tin được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM nói tại hội nghị thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn, chiều 5/6.
Chữ ký số đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Hiện, chữ ký số được dùng trong kê khai thuế điện tử, hải quan, bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử, dịch vụ công trực tuyến...
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số và các quận, huyện cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Người dân có thể đăng ký tại bộ phận một cửa của UBND quận, huyện.
Ngoài ra, trong năm nay, thành phố cũng sẽ tổ chức các gian hàng để cấp chữ ký số cá nhân trong các sự kiện như Tuần lễ sách của người làm báo từ ngày 17-22/6 tại Đường sách thành phố, Hội sách quốc tế (dự kiến từ 25/9 đến 1/10), Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024.
Theo ông Thắng, trong kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị TP HCM thông minh năm 2023, UBND thành phố yêu cầu phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dưới dạng trực tuyến. Do đó, để vận hành được dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước là yêu cầu bắt buộc.
Thời gian qua, gần như toàn bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được cấp chữ ký số. Đồng thời, hơn 11.000 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức tại địa phương.
Ông Nguyễn Khơ Din, Phó chủ nhiệm, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, cho biết ưu điểm của chữ ký số là mang lại sự nhanh gọn trong giải quyết thủ tục, không cần ký bằng tay. Cách này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, di chuyển. Trong trường hợp ký hợp đồng, các bên liên quan cũng không cần gặp gỡ, giảm trở ngại về khoảng cách địa lý.
Lê Tuyết