Hội thảo "Không gian di sản" diễn ra vào sáng 27/11 tại TP HCM đã thu hút hơn 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư trong nước cùng chuyên gia đến từ Pháp, Italy... tham dự. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM phối hợp với Công ty cổ phần Minerva tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và gợi mở giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa Sài Gòn.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhìn nhận cách tiếp cận vấn đề bảo tồn di sản đô thị của cơ quan quản lý và giới chuyên môn đã có những chuyển biến tích cực. Thay vì xem bảo tồn - phát triển là hai thái cực hoàn toàn trái ngược, bài toán cần được đặt ra hiện tại là làm thế nào để vừa hiện đại hóa, vừa gìn giữ những giá trị tốt đẹp của Sài Gòn xưa nay.
Di sản có thể thành "nồi cơm Thạch Sanh" của ngành du lịch
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, các không gian di sản gồm công trình, đường sá, cây xanh... đóng vai trò quan trọng trong định hình bản sắc văn hóa, tạo nét độc đáo riêng, từ đó đóng góp vào nguồn thu du lịch, phát triển bền vững,
"Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc là tài nguyên cần bảo tồn và phát triển bởi đây không chỉ là nguồn thu mang về lợi ích trên bình diện kinh tế, mà còn tạo bản sắc, thể hiện linh hồn của một thành phố, một cộng đồng", ông Hòa nhấn mạnh.
Còn Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Kiên - chuyên gia cao cấp kiêm quản lý dự án tại Tập đoàn tư vấn phát triển hạ tầng Eight-Japan nhìn nhận nếu gìn giữ tốt các giá trị bản sắc địa phương, trong đó có cả di sản, sẽ tạo thành "nồi cơm Thạch Sanh" cho ngành du lịch khai thác và phát triển bền vững.
"Những quốc gia có lịch sử lâu đời và có số lượng di sản lớn, phong phú như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... đều có những 'nồi cơm Thạch Sanh' từ du lịch nhờ chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản phù hợp", chuyên gia cho biết.
Điển hình tại Singapore, chính phủ đảo quốc sư tử dành 20 năm bảo tồn, trùng tu 6.560 công trình di sản, tạo bản sắc văn hóa đặc thù, lôi kéo lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều loại hình di sản kiến trúc như nhà phố buôn bán của người Hoa tập trung ở khu phố Tàu, kiến trúc người Ấn Độ khu Kampong Glam, các công trình thuộc địa Anh... trở thành điểm thu hút khách tham quan nổi tiếng.
Giải pháp dung hòa lợi ích bảo tồn và phát triển
Dưới áp lực phát triển đô thị theo hướng mở rộng không gian xây dựng, các quốc gia thường đối mặt nhiều khó khăn khi bảo tồn, trùng tu di sản, trước hết là khó khăn về tài chính. Kiến trúc sư Tô Kiên cho rằng TP HCM cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Mỹ... nhằm tìm ra giải pháp phù hợp với địa phương.
Theo đó thành phố có thể huy động các nguồn đầu tư tư nhân thông qua cơ chế hợp tác công - tư nhằm triển khai cải tạo, trùng tu dự án không gian công cộng gắn với bảo tồn di sản.
Đơn cử kinh nghiệm của Nhật Bản, năm 2000 chính phủ nước này công bố chính sách quy đổi hệ số sử dụng đất tại các khu vực kế cận công trình di sản. Chính sách này lần đầu áp dụng cho dự án nâng cấp nhà ga Tokyo. Theo đó, ngân sách cho dự án này có được từ các doanh nghiệp đầu tư, bỏ vốn vào để mua hệ số sử dụng đất ở các khu vực cạnh nhà ga.
Tiếp đến, TP HCM có thể ứng dụng giải pháp bảo tồn cho phép bổ sung công năng nhằm tạo thêm giá trị gia tăng về mặt kinh tế cho các công trình di sản. Ví dụ trong trường hợp này là quán cà phê Starbucks độc đáo trong ngôi nhà di sản Kitano Ijinkan tại Kobe, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan - giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận cần có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo tồn hoặc đầu tư bảo tồn thông qua biện pháp giảm thuế thu nhập, thuế trước bạ...
Để quá trình bảo tồn được hiệu quả và trường tồn theo thời gian, chuyên gia Trần Hữu Phúc Tiến nêu vấn đề phải mở rộng khái niệm và luật lệ về di sản. Ông cho rằng không chỉ các công trình cụ thể được công nhận di sản mới cần bảo tồn, mà các không gian rộng lớn hơn như ô phố, khu phố, khu vực... mang tính điển hình cho một giai đoạn lịch sử, một phong cách kiến trúc, văn hóa cũng cần được duy trì, trùng tu.
Vai trò của nguồn lực tư nhân
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đồng tình, để bảo tồn không gian di sản đô thị cần nguồn lực tư nhân nhằm san sẻ gánh nặng ngân sách cho nhà nước vốn ưu tiên cho các vấn đề hạ tầng cấp bách. Tư nhân ở đây là các nhà đầu tư, nhà thầu... tham gia rót vốn trùng tu các công trình di sản để đổi lấy quyền lợi về kinh tế. Ngoài ra, tư nhân còn là các chủ sở hữu các biệt thự, tư dinh lâu đời có giá trị kiến trúc, văn hóa...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP HCM cho rằng không chỉ các công trình thuộc sở hữu công mà các tư dinh, biệt thự cũng cần được quan tâm hỗ trợ chính sách bảo tồn.
"Nếu không nhanh chóng có biện pháp khuyến khích bảo tồn thì các công trình mang giá trị văn hoá, kiến trúc, lịch sử dễ bị 'khai tử' để xây dựng những dự án địa ốc mang lại nhiều nguồn lợi tài chính hơn", bà Hậu nhấn mạnh.
Các chuyên gia dẫn chứng câu chuyện về nhà cổ trên đường Nơ Trang Long bị tháo dỡ là một bài học cần suy ngẫm. Trong khi đó nếu xác định giá trị cặn kẽ của các ngôi nhà cổ, biệt thự cổ mang lại, có thể thu về nguồn lợi lâu dài cho thành phố, tư nhân... từ hoạt động du lịch, văn hóa.
Một dẫn chứng khác cho thấy khả năng đóng góp lớn vào bảo tồn công trình di sản là biệt thự tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM. Ông Nicolas Viste - Kiến trúc sư trưởng dự án bảo tồn và phục hồi biệt thự cho biết trong ba năm qua, chủ đầu tư - công ty cổ phần Minervâ đã đầu tư lớn về nhân lực lẫn tài lực để nghiên cứu kiến trúc, phong cách, bản chất lịch sử... của công trình nhằm đưa ra giải pháp phục hồi phù hợp.
Biệt thự nói trên mang dáng dấp kiến trúc Pháp cổ ước tính gần 100 tuổi được xem là một trong những minh chứng sống động cho kỹ thuật xây dựng đương đại đầu thế kỷ 20. Dự kiến biệt thự có khuôn viên rộng 8.000 mét vuông này sẽ bắt đầu giai đoạn bảo tồn và phục hồi vào tháng 12/2018 và dự án sẽ kéo dài ít nhất ba năm với mục tiêu nhằm bảo tồn và khôi phục lại các chi tiết kiến trúc, cảnh quan gần với nguyên trạng nhất có thể.
Ý tưởng hình thành "đặc khu di sản"
Không chỉ có ngôi biệt thự cần bảo tồn, các chuyên gia cho rằng các ô phố, khu phố trên các tuyến đường tại quận 3 cũng cần sự quan tâm đặc biệt. Chuyên gia văn hóa, lịch sử Trần Hữu Phúc Tiến nhìn nhận đây là một tài sản vô giá của TP HCM, đặc biệt quận 3 nên được coi là "đặc khu di sản" bởi những giá trị lâu đời, mang tính điển hình mà khu vực này sở hữu.
Riêng tứ giác giới hạn bởi các cung đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai cần ưu tiên bảo tồn bằng nhiều phương pháp. Khu vực này tập trung đến 65% số lượng biệt thự xây dựng trước 1975, với không gian quy hoạch đường sá, cây xanh, tiện ích công viên, trường học... hoàn chỉnh, xứng đáng là kiểu mẫu kiến trúc cảnh quan đô thị thời kỳ đầu thế kỷ 20. Nơi đây quy tụ nhiều biệt thự sang trọng, căn hộ thấp tầng, đan xen là các công viên lớn, sân bãi thể thao, trường học, bệnh viện... Đường phố thiết kế ngay ngắn, rất ít ngõ hẻm, thuận tiện giao thông.
"Đi đâu cũng có cây cao bóng mát, nhiều không gian thư thái, đã đi vào nhạc, thơ và phim ảnh. Không gian này tích hợp khá nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, chính trị và đời sống thị dân", ông Tiến dẫn chứng.
Các chuyên gia đánh giá với bề dày lịch sử và đặc thù trải qua nhiều thời kỳ tiếp biến văn hóa, TP HCM hội tụ đủ điều kiện xây dựng những "đặc khu di sản" mang giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa cao. Chỉ tính riêng các công trình biệt thự, theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP HCM, hiện toàn thành có 1.227 biệt thự xây dựng trước 1975, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 3 với 808 biệt thự, chiếm tỷ lệ 65%.
Khánh Anh