TS Nguyễn Quốc Bình - chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chuyển nạp gene trên cây trồng tại Đại học Laval, TP Québec, đã bán hết gia sản tại Canada rồi cùng gia đình trở về quê hương năm 2004. Ông quyết định từ bỏ cuộc sống ổn định ở một đất nước phát triển để về Việt Nam theo lời hứa với lãnh đạo TP HCM khi đó "thành lập một trung tâm công nghệ sinh học mà 20 năm sau không lỗi thời".
Trong năm đó, TS Bình là một trong người đầu tiên góp phần tạo hình hài Trung tâm Công nghệ sinh học đầu tiên tại TP HCM, hiện đại nhất nước, với tổng kinh phí đầu tư 100 triệu USD ra đời. Hàng loạt công trình phục vụ ngành nông nghiệp, thuỷ sản và sản xuất thuốc được nghiên cứu, đăng ký bản quyền như: vaccine kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra, lai tạo giống hoa lan, chế tạo thuốc chữa trị tiểu đường, viêm gan siêu vi... Trung tâm cũng xây dựng đội ngũ hàng trăm chuyên gia, kỹ sư giỏi ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, năm 2014 khi tròn 60 tuổi, cơ quan ra quyết định cho ông Bình nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động. "Khi trở về, tôi nói sẽ làm việc đến lúc nào thành phố không cần nữa thì thôi, chứ không phải đến 60 tuổi thì nghỉ. Tôi thấy rất tiếc khi không được sử dụng ở độ tuổi chín muồi", ông Bình tâm tư.
Từ vị trí phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, ông được mời làm cố vấn khoa học theo chương trình thí điểm thu hút nhân tài của TP HCM và tiếp tục làm việc đến hết 2017. Năm 2019, thành phố lại "trải thảm đỏ mời nhân tài" theo hình thức nhận hồ sơ và xét tuyển, song lần này ông không tham gia.
"Nếu cần đóng góp của chuyên gia, thành phố cần có lời mời và đối xử một cách trân trọng, chứ không phải 'nộp đơn đây để tôi xét'", ông nói.
Về chính sách thu hút của TP HCM, ông Bình cho rằng các đơn vị sử dụng chưa thoát khỏi cơ chế hành chính, khiến nhân tài chưa thể phát huy hết năng lực. Điều này khiến các chuyên gia, đặc biệt người từng ở nước ngoài, khi về làm việc ở các cơ quan của nhà nước thường khó thích nghi.
Do đó, chuyên gia được mời về cần có không gian hoạt động, quyền điều hành tài chính và ra quyết định tương đối độc lập mới có thể giúp họ biến ý tưởng thành sản phẩm. "Mời người giỏi về, nhưng khi người ta đề xuất ý kiến lại bảo làm không được vì vướng cái nọ cái kia sẽ rất khó", ông Bình nói.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), cho rằng để dung nạp người tài vào hệ thống cần tạo môi trường, thể chế cởi mở để phát huy tài năng của họ.
Theo ông, cách vận hành của hệ thống quản trị hiện dựa quá nhiều vào đơn vị tham mưu, thiếu không gian cho nhà lãnh đạo ra quyết định dựa trên ý kiến tham vấn độc lập. Đây là lý do nhiều sáng kiến của các nhà khoa học, chuyên gia không được lãnh đạo các cấp và hệ thống công quyền dung nạp. "Lời ngay sẽ khó nghe, các chuyên gia có phong cách phản biện hơi thẳng thắn rất khó hợp tác được trong môi trường này", ông Tuấn nói.
Về cơ chế tuyển dụng, TS Hoàng Thế Bân - người tham gia cả hai chương trình thu hút nhân tài từ năm 2014 đến 2021, góp ý thay vì cách thu hút như hiện nay, thành phố nên chủ động tìm đến chuyên gia người Việt có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nắm nhiều bí quyết công nghệ, đang làm việc ở các nước phát triển để thuyết phục, mời gọi họ về làm việc.
"Đây là cách chuyển giao công nghệ thông qua con người nhanh, tiết kiệm và hiệu quả mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều từng áp dụng, nhắm đến nhóm kiều bào ở nước ngoài", ông Bân nói và cho rằng giải pháp này cũng giúp chuyên gia cảm thấy được trân trọng.
TS Nguyễn Quốc Bình cũng đề xuất không nên áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với Việt kiều về làm việc dài hạn theo Bộ luật Lao động. Bởi người giỏi thường chọn trở về đóng góp cho quê hương khi có tuổi, thậm chí đã về hưu và thành phố nên tận dụng cả nhóm chuyên gia giỏi về chuyên môn này.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM Nguyễn Đăng Quân đánh giá chương trình thu hút nhân tài hiện không có cơ chế cho chuyên gia làm bán thời gian là không phù hợp. Hầu hết chuyên gia ở nước ngoài đã có cuộc sống, công việc ổn định nên rất khó bỏ hẳn để về Việt Nam. Do vậy, thành phố cần có chính sách cho họ làm bán thời gian, làm tháng nào nhận lương tháng đó và hưởng thêm các chế độ khác.
Thu nhập cũng là yếu tố quan trọng khi tuyển dụng, mời gọi người tài. Theo TS Bân, mức lương 13-15 triệu đồng mỗi tháng theo chính sách của thành phố rất thấp với mặt bằng chung của giới chuyên gia. Ông từng giới thiệu chương trình tuyển nhân tài của thành phố với nhiều bạn bè ở nước ngoài và phản ứng đầu tiên của họ là thu nhập đó khó sống ở TP HCM.
"Thành phố không nên quy định một mức thu nhập cứng mà đặt ra mức trần như chương trình thí điểm (150 triệu đồng mỗi tháng). Để giảm áp lực ngân sách, đơn vị nào sử dụng có thể cùng thành phố trả thu nhập cho chuyên gia", ông nói.
TS Nguyễn Quốc Bình nói thu nhập 150 triệu đồng mỗi tháng là rất lớn so với lương cán bộ, công chức, nhưng tính ra chỉ hơn 6.000 USD - chưa đủ hấp dẫn đối với người có trình độ và kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài. "Giá của một nhân tài không nằm ở mức lương nhà nước trả, mà ở những giá trị công nghệ, kiến thức họ nắm giữ có thể mang lại sự thay đổi gì cho thành phố, đất nước", ông nói.
Đánh giá chương trình thu hút nhân tài của TP HCM đã "thất bại", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), nói rằng sẽ không thể tạo ra bứt phá nếu vẫn giao cho các sở ngành tham mưu bởi họ khó thoát ra khỏi tư duy lối mòn. Quá trình xây dựng chính sách sẽ luôn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố và dễ bị tư duy trong "chiếc hộp" của những điều được làm.
Thay vào đó, thành phố nên "dùng chuyên gia để tạo ra chính sách thu hút chuyên gia". Cụ thể là giao một đơn vị nghiên cứu độc lập xây dựng đề án rồi để sở ngành góp ý nhằm đảm bảo tính khả thi, song vẫn giữ được các đột phá nhất định, sau đó thành phố phê duyệt. Ngoài cơ chế thu hút, đề án nên có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc gắn với thu nhập hay các cơ chế khuyến khích khác.
"Thành phố muốn đột phá thì cần có cách tiếp cận mới", ông nói và cho rằng sau giai đoạn chưa thành công trong thu hút người tài vừa qua, đã đến lúc thành phố thay đổi cách làm để thật sự dung nạp nhân tài vào hệ thống.
Thu Hằng