- Từ lâu HBSO đã đề xuất ý kiến với lãnh đạo TP HCM về việc cần có một Nhà hát Giao hưởng mới, vì sao thế?
- Với nhu cầu về đời sống tinh thần của TP HCM, nhà hát phải xây càng sớm càng tốt. Nếu xét trên bình diện văn hóa thì đây là một việc hoàn toàn đúng đắn, quá bức thiết. Nếu không có một nhà hát đúng nghĩa, thử hỏi người dân sẽ đến đâu để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao.
TP HCM hiện nay không có một nhà hát đàng hoàng nào cả. Có mỗi Nhà hát thành phố, nhưng chỉ là khán phòng nhỏ, sức chứa dưới 500 ghế, sân khấu cũng nhỏ. Đơn vị chúng tôi khi hoạt động phải thuê địa điểm của Nhà hát TP HCM, nhưng tình trạng bị kẹt lịch do có quá nhiều nơi thuê thường xuyên xảy ra.
Đó là chưa kể hoạt động của HBSO bị phân tán vì không có trụ sở ổn định, khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình đều phải đi thuê điểm tập.
- Nhưng có một thực tế là không phải suất nào của những tác phẩm hoặc chương trình nghệ thuật hàn lâm cũng cháy vé, đông khán giả. Ông nói sao?
- Cho dù có chương trình bán chưa hết vé, chúng tôi tự hào mình là nhà hát duy nhất trong thành phố đã mạnh dạn tổ chức chương trình nghệ thuật định kỳ tại Nhà hát TP HCM với chất lượng biểu diễn tốt, duy trì diễn hàng tháng. Cao điểm một tháng 4-5 chương trình.
Mục đích lớn nhất của chúng tôi trong từng năm là đi xa hơn nữa trong việc xây dựng chất lượng nghệ thuật, xây dựng những tác phẩm lớn hơn, góp phần nâng cao nhu cầu thưởng thức của mọi người.
- Nghệ thuật hàn lâm hiện nay mới phục vụ một lượng khán giả nhất định. Điều này khiến cho việc xây công trình Nhà hát Giao hưởng bị xem là phung phí, ông nghĩ sao?
- Nhà hát mới không chỉ đóng khung phục vụ cho hoạt động của anh em nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm mà sẽ là nơi tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ khác của thành phố. Đó còn là nơi chúng ta tiếp đón các đoàn quốc tế đến Việt Nam giao lưu, vì TP HCM là một trung tâm văn hóa của cả nước.
Nhà hát giao hưởng mới sẽ được xây dựng để tạo sự liên kết trong chuỗi hoạt động của các nhà hát trên thế giới. Nối với Nhà hát Sầu Riêng của Singapore, Nhà hát Tokyo của Nhật, Nhà hát Con sò của Australia để tạo thành một vệt kết nối các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn trên khắp thế giới.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ đón nhận của khán giả TP HCM hiện nay với các loại hình giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch?
- Vài năm gần đây, vẫn có nhiều chương trình chúng tôi thực hiện "cháy vé". Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật hàn lâm ở TP HCM nói chung đang trên đà tăng. Từ 3 năm nay, HBSO duy trì chương trình nghệ thuật hàn lâm miễn phí dành cho sinh viên. Cứ mỗi năm như thế, hàng nghìn sinh viên có cơ hội tiếp xúc với tinh hoa của thế giới. Điều này giúp dần hình thành một lớp người trẻ biết học cách thưởng thức nghệ thuật hàn lâm bên cạnh nhiều dòng nghệ thuật khác.
Chúng tôi đã có kế hoạch cho những vở diễn, chương trình thường xuyên, có chất lượng tốt. Tháng 5, chúng tôi còn hợp tác với Nauy dựng nhạc kịch và tháng 8 là vũ kịch. Nói chung là sẽ có rất nhiều chương trình.
Nhiều người Việt Nam không hiểu âm nhạc giao hưởng thì cũng giống như nhiều người nước ngoài không hiểu cải lương. Đó là chuyện quá bình thường, không có gì quá tự ti hay tự tôn. Vấn đề là chúng ta có chịu vươn tới, cởi mở để đón nhận những giá trị văn hóa hay không thôi.
- Công trình nhà hát nằm ở khuôn viên một công viên cây xanh, khiến nhiều người lo lắng tòa nhà sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị, làm hỏng lá phổi thành phố. Ông cân nhắc thế nào về vấn đề này?
- Đừng vì chúng ta từng có ấn tượng xấu với các công trình kiến trúc khác mà trở nên có thành kiến với việc xây Nhà hát Giao hưởng như thế. Nhà hát được xây ở phía cuối của công viên 23/9 thuộc đoạn đường không quá nhiều cây xanh. Đây cũng không phải là một tòa nhà đồ sộ, phá hỏng mọi cảnh quan xung quanh. Mà ngược lại, tôi tin là rất hài hòa với con người, môi trường, làm đẹp thêm cho cảnh quan của công viên 23/9.
Tôi đã đề xuất ý kiến với lãnh đạo thành phố thiết kế sân khấu ngoài trời của Nhà hát Giao hưởng như một quảng trường nghệ thuật. Đó là nơi để khán giả có thể dạo chơi, thưởng thức các buổi diễn ngoài trời. Hai bên đường của nhà hát là đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão sau này cũng được quy hoạch thành đường đi bộ. Việc chúng ta hướng đến một nhà hát nằm trong không gian công viên nghệ thuật với cây xanh, bóng mát và hồ cá là điều hoàn toàn có thể thực hiện.
- Vì sao lãnh đạo thành phố lên kế hoạch chọn êkíp kiến trúc sư đến từ Đức để thiết kế công trình này?
- Từ khi có ý tưởng xây dựng nhà hát mới, chúng tôi đều thống nhất là từ thiết kế và xây dựng đều phải làm việc với kiến trúc sư nước ngoài. Kiến trúc sư Việt Nam chưa bao giờ xây dựng nhà hát.
Đức là nước có đầy đủ tiêu chuẩn trình độ nhất để xây dựng nhà hát. Họ xây dựng được rất nhiều nhà hát chuyên nghiệp, đỉnh cao của thế giới. Những kiến trúc sư của họ là những người làm nghiêm túc chất lượng. Ngoài ra, êkíp này từng làm việc ở Việt Nam nên thông thạo mọi thủ tục hành chính trong nước chứ không bỡ ngỡ. Họ từng xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội và hiện tại xây dựng Tòa nhà Quốc hội.
- Quy mô của Nhà hát Giao hưởng đầu tiên của TP HCM sẽ như thế nào?
- Xét về diện tích, công trình mới sẽ tương đương với Nhà hát TP HCM hiện nay nhưng quy mô xây dựng có thể lớn gấp ba vì chúng ta thực hiện theo lối kiến trúc mới hiện đại, tiết kiệm không gian.
Nhà hát sẽ có 1.700 chỗ ngồi, chia làm hai khán phòng: một cái 1.200 chỗ là nơi vừa diễn nhạc kịch, giao hưởng và vũ kịch. Cái còn lại 500 chỗ là nơi diễn thính phòng và phòng thu âm. Chúng ta hiện tại không có một phòng thu âm nào đủ cho một dàn nhạc thính phòng ngồi hết.
Bên cạnh một sân khấu chính, còn có 3 sân khấu phụ hai bên hông và phía sau, diện tích tương đương sân khấu chính. Không gian phía trên sân khấu và hầm thông phía dưới cũng phải có diện tích như vậy để tạo mọi điều kiện kỹ thuật phông màn tốt nhất cho các chương trình biểu diễn. Việt Nam chưa bao giờ có được một nhà hát có một sân khấu với những kỹ thuật hiện đại như thế.
- Nguồn kinh phí để xây dựng công trình đến từ đâu?
- Kinh phí xây dựng nhà hát được lấy theo phương thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM sẽ giao miếng đất số 23 Lê Duẩn cho một ngân hàng lớn. Ngân hàng này sẽ ứng vốn để trả tiền xây Nhà hát giao hưởng ở công viên 23/9.
- Tiến độ thực hiện công trình đang trong giai đoạn nào?
- Thành phố sẽ quyết định việc chỉ định thầu hay đấu thầu mà việc này còn mất rất nhiều thời gian. Khi ký hợp đồng xong, kiến trúc sư mới có bản vẽ để chúng ta chọn và duyệt. Hiện tại, kiến trúc sư Đức đã gợi ý những thiết kế đầu tiên để chúng ta lựa chọn.
Theo kế hoạch, họ sẽ trình ra ba mẫu cho chúng ta chọn một. Để thẩm định, lãnh đạo thành phố sẽ lập một hội đồng riêng gồm rất nhiều thành viên như: kiến trúc sư trưởng, hội kiến trúc sư các ban ngành, tất cả Sở có nhà hát, UBND Thành phố...
UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch trong Công viên 23/9 với diện tích 1,2ha có sức chứa 1.700 chỗ. Công trình này được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, tọa lạc tại trung tâm quận 1, khu vực được mệnh danh là vị trí "vàng" của TP HCM. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch sẽ được thiết kế với 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành. Theo UBND TP HCM, Công ty Busmann Haberer, Muller, Inros Lackner, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ là đơn vị tư vấn thiết kế nhà hát. Công trình dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. |
Thoại Hà thực hiện