Ngày 6/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các phòng giáo dục lấy ý kiến lãnh đạo trường và giáo viên, về thực hiện trợ cấp giảng dạy hòa nhập cho người khuyết tật.
Động thái này nhằm xây dựng cơ sở pháp lý cho việc trợ cấp những giáo viên dạy hòa nhập, khi UBND TP HCM đã bỏ quyết định trợ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật bằng tiền theo tháng, hoặc từng tiết học, áp dụng từ 10/3/2016.
Theo quyết định trên, giáo viên giảng dạy một học sinh khuyết tật mầm non được hưởng trợ cấp 600.000 đồng mỗi tháng. Giáo viên giảng dạy một học sinh khuyết tật tiểu học hoặc trung học cơ sở được trợ cấp 8.000 đồng mỗi tiết. Giáo viên dạy một học sinh khuyết tật trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, mỗi tiết học được nhận 9.000 đồng.
Hồi tháng 6, đoàn công tác liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì kiểm tra việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy quyết định năm 2016 của UBND TP HCM "chưa phù hợp với quy định". Bởi theo luật Tổ chức chính quyền, thẩm quyền này phải thuộc HĐND thành phố.

Một giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo lãnh đạo một trường có chương trình giáo dục khuyết tật hòa nhập, thông thường tiền trợ cấp cho giáo viên sẽ được cộng dồn và trả vào cuối năm. Bà hy vọng ngành giáo dục và chính quyền thành phố sẽ kịp trình khung trợ cấp mới để HĐND TP HCM thông qua, không ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Do không được ưu đãi hoặc có nhưng rất ít, nên thời gian qua nhiều giáo viên không mặn mà dạy trẻ em khuyết tật.
Tính hết năm học 2016-2017, thành phố có hơn 5.200 học sinh hòa nhập. Số học sinh khuyết tật học hòa nhập ngày càng tăng nhưng cơ sở vật chất và và phương tiện giảng dạy, giáo viên còn rất thiếu.