Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, từ ngày 16/12 tới, 346 cơ sở kinh doanh hiện đại chính thức áp dụng mô hình bán thịt sạch có truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các cơ sở tham gia bao gồm: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm hiện đại. Hiện, hầu hết các siêu thị hiện đại ở TP HCM đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ có Metro và Vinmart là chưa tham gia. Với số lượng tham gia trên thì ban đầu lượng hàng cung ứng sẽ đạt khoảng 20% nhu cầu thị trường.
“Với các chợ đầu mối và chợ lẻ truyền thống chúng tôi chưa dám triển khai ngay vì sau quá trình tìm hiểu và chuẩn bị, hầu hết các chợ còn hoạt động manh mún, chưa đồng bộ, thương lái và tiểu thương chưa hiểu nhiều về hoạt động này nên cần hỗ trợ và tư vấn thêm trước khi triển khai”, ông Hòa nói
![tp-hcm-ban-thit-heo-co-truy-xuat-nguon-goc-vao-tuan-toi](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2016/12/08/thit-heo-4379-1481182983.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zvO5s8KKP6QfDpyX_929QA)
Người tiêu dùng sẽ được mua và kiểm tra nguồn gốc thịt tại các kênh hiện đại. Ảnh: Thi Hà.
Về hệ thống chăn nuôi, theo lãnh đạo Sở đã có 60 cơ sở đăng ký tham gia với hơn 1.000 trang trại đảm bảo cung ứng 10.000 con mỗi ngày. Với cơ sở giết mổ, có 18 cơ sở đăng ký, trong đó có 5 đơn vị của thành phố, còn lại trực thuộc các tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
“Tới nay mọi khâu chuẩn bị dường như hoàn tất, chúng tôi đã tập huấn hết cho các hệ thống chăn nuôi giết mổ, phân phối. Ngày 14/12 chúng tôi sẽ có cuộc tổng kiểm tra tại Vissan để đảm bảo quá trình kinh doanh được kiểm soát chặt và hoạt động suôn sẻ”, ông Hòa chia sẻ.
Quy trình bán và mua thịt heo sạch truy suất nguồn gốc qua smartphone
Giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin được Sở Công Thương TP HCM phối hợp với Chi cục Thú ý triển khai. Chương trình nằm trong đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm”, nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Theo quy trình, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau. Chiếc vòng sẽ kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi con heo xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.
Trong quá trình mổ, người kiểm dịch xác nhận đủ tiêu chuẩn bằng cách đóng mộc lên heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử. Thịt sau khi giết mổ sẽ được ban quản lý, nhân viên kiểm dịch dùng máy chuyên dụng để kiểm tra nguồn gốc và chỉ chấp nhận heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sẽ được niêm phong trong các thùng rồi giao đơn vị phân phối. Đơn vị phân phối sẽ dùng smartphone kích hoạt “tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch, sau đó dán tem có mã vạch lên miếng thịt cân cho khách.
Mỗi con tem có giá 60 đồng, một bảng tem có 48 con. Chi phí truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ trang trại đến bàn ăn mất 9.800 đồng. Do vậy, theo ông Hòa, chi phí phát sinh lên thịt heo tới người tiêu dùng sẽ phát sinh khoảng 200 đồng trên một kg thịt.
Thi Hà