Chiều 11/12, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với các sở ngành và một số chuyên gia kinh tế, tài chính công... để "bắt tay thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù".
Nhận định việc điều chỉnh tăng phí, thuế là nội dung "rất quan trọng" để đảm bảo tính tự chủ ngân sách địa phương, bà Phan Thị Thắng (Giám đốc Sở Tài chính) mong muốn các chuyên gia đánh giá tác động đối với người dân, doanh nghiệp, để thành phố nhìn thấy rõ "bức tranh" trước khi điều chỉnh.
Bà cũng băn khoăn việc này có thể dẫn đến thất thu, giảm kích cầu, giảm thu hút đầu tư…
Ông Trần Ngọc Tâm (Cục trưởng thuế TP HCM) nói rằng có thể đánh giá tác động ngay khi tăng thuế một số mặt hàng rượu, bia, thuốc lá... Nhưng với xăng dầu, có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng thì cơ quan chức năng phải nghiên cứu, đánh giá tác động sâu hơn.
"Phải tổ chức làm sao cho tốt, vì nếu không khéo doanh nghiệp sẽ chạy lòng vòng nơi khác sản xuất, sau đó đưa về đây tiêu thụ", ông Tâm lo ngại.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng, thành phố được quyền đặt thuế, phí mới, là điều đáng mừng nhưng phải nghiên cứu tác động tổng thể.
"Điều này là cực khó. Tôi ví dụ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô về cảng thì người ta chuyển qua chỗ khác nhập khẩu, không về đây. Chúng ta điều chỉnh tăng thuế nhưng chưa chắc tăng thu, giảm thuế chưa chắc giảm thu", ông Du Lịch nói và đề nghị thành phố chia thành các nhóm nhỏ giao mỗi Phó chủ tịch phụ trách một vấn đề và mời chuyên gia nghiên cứu kỹ.
Trong khi đó Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) đặt ra vấn đề cần đảm bảo tính công bằng, trong đó người thu nhập cao phải nộp thuế cao hơn. "Làm sao thành phố phải thành chỗ trũng để các hoạt động kinh tế ở nơi khác dồn về, chứ không họ chạy hết sang chỗ khác", ông Du nói.
Ông Du cũng cho rằng, mục đích khi thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phải hướng đến tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tạo việc làm, tăng khả năng thu ngân sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp.
Góp ý với thành phố, các chuyên gia còn đề nghị tất cả các đề án phải hướng đến giải quyết ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe; đồng thời sớm hoàn thành các công trình bệnh viện, trường học.
Xác định 9 đầu việc cần nghiên cứu sâu, hoàn thành trong tháng 3/2018 để trình Thành ủy và HĐND TP HCM, ông Phong đánh giá thời gian rất cấp bách và yêu cầu: "Các giám đốc sở nhiều việc cũng phải nỗ lực chứ không còn con đường nào khác".
Ông Phong đồng ý chia ba nhóm đề án, đề nghị các sở ngành chuẩn bị đề cương, hoàn thành trước 15/1. Cụ thể, nhóm đề án về cơ chế tài chính, chính sách, thu nhập cán bộ; nhóm phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính; nhóm huy động vốn đầu tư xã hội...
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX hôm 7/12 đã thông qua Nghị quyết triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trong đó, UBND TP HCM được giao nhiệm vụ tham mưu trình HĐND xem xét, quyết định danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách; dự toán, phân bổ ngân sách thành phố hàng năm bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. UBND TP HCM hoàn tất các đề án trình HĐND TP HCM xem xét, quyết định vào giữa năm 2018, gồm: thực hiện nguồn cải cách tiền lương còn dư; thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục; tăng lương cho cán bộ; đề án tăng thuế suất một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; huy động vốn đầu tư xã hội... |
Tuyết Nguyễn