"Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không Covid nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói hôm 16/8 với toàn bộ lãnh đạo các quận huyện trong cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ, nhằm triển khai mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong một tháng.
TP HCM bắt đầu bước vào kế hoạch chống dịch trong 30 ngày, theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, khi số ca nhiễm vẫn khoảng 4.000 ca/ngày dù đã trải qua gần 40 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bao gồm cả biện pháp tăng cường như cấm ra đường sau 18h... Thành phố đã chia kế hoạch này thành hai giai đoạn. Giai đoạn một 15-31/8 thực hiện 3 mục tiêu: kéo giảm tỷ lệ tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận, điều trị và mở rộng "vùng xanh".
Với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, nửa tháng qua, TP HCM huy động thêm nguồn lực y tế và cả quân đội trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm giảm lượng bệnh nhân trở nặng ở các tầng dưới, hạn chế áp lực cho tầng điều trị trên cùng, giảm tỷ lệ tử vong. Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, trung bình số ca tử vong mỗi ngày tại TP HCM giai đoạn này là 267 ca, giai đoạn trước đó (31/7-15/8) là 223 ca.
Nhìn nhận chung, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn dao động 250-300 một ngày và chưa có dấu hiệu giảm.
"Đây là một trong những điều ngành y tế rất day dứt, làm sao giảm tỷ lệ tử vong nhiều nhất. Với chủng Delta, đa số bệnh nhân nhiễm không có triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng 10-15% chuyển nặng và một số trường hợp chuyển nặng rất nhanh", ông Hưng nói.
Lãnh đạo Sở Y tế thành phố cho rằng một trong những vấn đề tối thượng với bệnh nhân Covid-19 là phải đủ oxy. Do đó, thành phố triển khai trạm y tế lưu động, mang bình oxy nhỏ đến người dân. "Trong 3 tầng điều trị, số ca tử vong ở tầng 2 nhiều nhất nên ngành y tế đang yêu cầu các quận, huyện cần phát hiện sớm các bệnh nhân dấu hiệu trở nặng để chuyển lên tầng 3. Như vậy, số lượng tử vong sẽ giảm", ông Hưng nói.
Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu chiều 31/8, đánh giá, nếu chỉ tính trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện 158.265, tỷ lệ tử vong do Covid- 19 tại TP HCM là 5,8%. Nếu tính luôn số lượng F0 đang cách ly, điều trị tại nhà - 59.000 ca, tỷ lệ tử vong vào khoảng 4,2%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%.
"Nhìn chung tình trạng tử vong ở TP HCM nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao", ông Châu nói và cho biết số ca tử vong cũng như nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của TP HCM khoảng 15 ngày. Do đó, ngành y tế thành phố nhận định, có thể một tuần nữa, số ca tử vong mới hy vọng giảm đi.
Về mục tiêu thứ hai - không để F0 chuyển nặng không được tiếp nhận, điều trị, để thực hiện, từ ngày 16/8 thành phố điều chỉnh mô hình điều trị từ 5 tầng sang 3 tầng. Trong đó, tầng 1 điều trị các ca F0 không triệu chứng, hoặc nhẹ tại nhà và 153 khu cách ly tập trung ở quận, huyện. Với tầng này, thành phố triển khai gói chăm sóc sức khỏe kết hợp đảm bảo an sinh cho F0.
Tầng 2 với 74 bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận thu dung các trường hợp cần cấp cứu, điều trị F0 có triệu chứng từ trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm bệnh nền. Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên sâu, điều trị F0 nặng và nguy kịch với 8 bệnh viện tuyến cuối của thành phố và của Bộ Y tế tăng cường gồm Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Quân y 175 cùng 5 trung tâm hồi sức quốc gia.
Thành phố cũng lập 411 trạm y tế lưu động để kịp thời chăm sóc, hỗ trợ 59.000 bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà. Các trạm y tế lưu động - cánh tay nối dài của các trạm y tế phường, xã ở TP HCM đều được trang bị đầy đủ bình oxy, thiết bị y tế... Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp đưa lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - được Bộ trưởng Y tế giao hỗ trợ TP HCM thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng, các cơ sở điều trị sẽ quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết. Chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy khi thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị 150.000 túi thuốc hỗ trợ F0 tự điều trị tại nhà nhưng hơn 10 ngày đầu tiên, chỉ 42.000 túi được phát đi.
Đánh giá con số trên, thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết rất nóng ruột khi có tình trạng thiếu thuốc ở các trạm y tế lưu động và chưa tới được tay các F0. "Thuốc chúng ta chuẩn bị như vậy là không đủ", ông nói trong cuộc họp chiều 29/8 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP HCM. "Chúng tôi rất lo lắng. Nếu thiếu ăn một hai bữa còn chịu được, chứ thiếu thuốc một giờ có thể ảnh hưởng tính mạng người dân".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sau nhiều ngày làm việc tại các quận, huyện, trạm y tế lưu động, cũng nêu, khi ông hỏi, các nơi đều cho biết đang thiếu thuốc phát cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà. "Đích đến cuối cùng của hàng hoá, thuốc men là tới tận tay người dân chứ không phải nằm ở quận huyện, xã phường", ông Đam nói.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Sở Y tế phải chuyển ngay thuốc điều trị xuống cho các phường theo nguyên tắc số lượng thuốc được cấp phải nhiều hơn số F0 trên địa bàn. Các trạm y tế phải có số thuốc dự trữ, kịp thời cấp ngay cho những F0 mới phát hiện. Hai ngày sau, theo báo cáo của ngành y tế thành phố, thêm 32.000 túi thuốc được phát, nâng tổng số túi đưa xuống cơ sở lên 74.000.
Đối với mục tiêu thứ 3 - mở rộng "vùng xanh", được lãnh đạo thành phố đặt ra quyết liệt "không còn tính theo tuần nữa mà theo từng giờ và từng ngày".
Thành phố tập trung vào chiến lược xét nghiệm. Ban đầu TP HCM dự kiến lấy mẫu gộp toàn bộ khoảng người dân ở "vùng đỏ" và "vùng cam", xét nghiệm RT-PCR để đánh giá lại các khu vực nguy cơ và mở rộng "vùng xanh". Tuy nhiên sau khi Thủ tướng có công điện yêu cầu "thần tốc xét nghiệm toàn thành phố", từ ngày 23/8, thành phố đã điều chỉnh việc lấy mẫu tại 2 khu vực nguy cơ này bằng phương án lấy mẫu đơn test nhanh, hoàn thành trong 3 ngày.
Thực tế, TP HCM mất 7 ngày mới cơ bản lấy xong mẫu xét nghiệm ở "vùng đỏ" và "vùng cam" với gần 1,7 triệu mẫu, phát hiện gần 64.300 ca dương tính. Với tỷ lệ số ca dương tính chiếm gần 4% tổng số xét nghiệm, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nhận định, số ca mắc trong cộng đồng ở mức cho phép - nghĩa là thấp hơn 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về tỷ lệ dương tính trong cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá chiến lược tăng tốc test nhanh để tìm F0 cộng đồng là đang đi đúng hướng để biết dịch bệnh đang ở đâu. Nếu bỏ sót số F0 này, chỉ cần vài ngày sau con số lây nhiễm sẽ gấp nhiều lần.
"Số lượng F0 cộng đồng tăng tức là đã tách được nhiều ca nhiễm. Đây là tín hiệu tốt, giúp ngành y tế nhìn thấy giá trị thật của dịch bệnh để có giải pháp phù hợp", bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nhận định.
Đến nay, mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong một tháng được ông Nguyễn Văn Nên đánh giá là "thử thách lớn", đã đi được nửa chặng đường. Từ 1/9, TP HCM bước vào giai đoạn hai chống dịch, "phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9" với các mục tiêu kéo giảm 20% số ca tử vong và các trường hợp nặng; số người nhập viện mỗi ngày không vượt quá số xuất viện; không quá 2.000 người nhập viện mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 1 và 15% dân số tiêm mũi 2.
Hữu Công