Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ "Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước", nhằm tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ôtô. Đây là năm thứ 3 Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận này.
Sau 3 năm phối hợp với Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công thương, Toyota Việt Nam từng bước triển khai các hoạt động cụ thể, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi linh phụ kiện toàn cầu.
Cụ thể, Toyota đã sàng lọc, lập danh sách các nhà cung cấp tiềm năng về linh phụ kiện ôtô thuần Việt, tổ chức các chuyến thăm trực tiếp, đánh giá tình hình và cử các chuyên gia đến hỗ trợ quá trình cải tiến. Năm 2022-2023, Toyota Việt Nam hỗ trợ cải tiến tại 4 nhà cung cấp ngoài hệ thống, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.
"Các hoạt động này thể hiện nỗ lực, đóng góp của Toyota trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Họ không chỉ giới hạn với các nhà cung cấp trong hệ thống, mà các nhà cung cấp ngoài hệ thống Toyota cũng được hãng xe Nhật quan tâm và hỗ trợ cải tiến", một chuyên gia ngành công nghiệp ôtô nói.
Hôm 24/3 vừa qua, tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen, Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp - Bộ Công thương tổ chức buổi tổng kết chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tại đây, đại diện 4 nhà cung cấp đã trình bày kết quả sau quá trình nhận hỗ trợ từ Toyota Việt Nam, những thay đổi trước và sau khi được hỗ trợ, kết quả cải tiến, những mong muốn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chương trình thu hút nhiều doanh nghiệp đến học hỏi, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Toyota Việt Nam trong những chương trình cải tiến sắp tới.
Là nhà cung cấp đạt kết quả cải tiến tốt, ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất khối hàng linh kiện, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen cho biết, nhà máy đã giải quyết được 3 khó khăn.
"Chúng tôi có nhận thức rõ ràng hơn về 5S và Kaizen (cải tiến). Thông qua Toyota, chúng tôi học hỏi thêm cách thức triển khai, áp dụng xây dựng hệ thống vào tài liệu, đào tạo nhân lực tham gia và triển khai", ông nói. "Với những tình huống hay vấn đề khó, chúng tôi được các chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn những phương pháp trước đây chúng tôi chưa từng tiếp cận được".
Theo báo cáo từ sự kiện, Công ty CP Công nghiệp Kim Sen giảm 5 nhân công, tiết kiệm 832 m2 nhà xưởng, năng suất lao động tăng 15%, tồn kho giảm 28%. Công ty TNHH MTV Cao Su 75 giảm 292 giờ nhập sản phẩm vào kho, tiết kiệm 86 m2 nhà xưởng, giảm 3 nhân sự, năng suất dây chuyền tăng 9,6%. Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh đã nâng cao năng suất lao động lên 16%, tiết kiệm 60 m2 nhà xưởng, tồn kho giảm 21% và giảm 2 nhân công.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, an toàn lao động được thắt chặt, trong 6 tháng vừa qua không có thêm vụ tai nạn lao động nào xảy ra. Các hạn chế về dòng chảy sản phẩm, sắp xếp hàng hóa, nguyên vật liệu, phân bổ các khu vực sản xuất, kho bãi được cải tiến nhằm đảm bảo an toàn, giảm lãng phí, tiết kiệm thời gian và công sức, quá trình sản xuất trở nên khoa học hơn.
"Tăng số lượng xe lắp ráp trong nước cho thấy những đóng góp của Toyota trong sự dịch chuyển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đây là yếu tố giúp các nhà cung cấp thuần Việt có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, được chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sản xuất từ hãng xe hàng đầu thế giới", ông Hoàng Phúc, một chuyên gia đào tạo trong ngành công nghiệp ôtô nói.
Tại chương trình này, ông Cao Văn Bình, Giám đốc trung tâm hỗ trợ thuộc Cục Công nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Toyota trong việc tư vấn, hỗ trợ cải tiến cho các doanh nghiệp.
"Thông qua các hoạt động của dự án, chúng tôi hi vọng có thể đóng góp cho việc nâng cao năng lực, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ", đại diện Toyota Việt Nam cho biết.
Những kế hoạch trên của Toyota được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ, về các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp đã ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhằm tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ôtô. Đây là năm thứ 3 Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận này.
Hiện, nhà máy Toyota Vĩnh Phúc tăng từ 6 lên 12 nhà cung cấp Việt Nam, nội địa hoá hơn 1.000 linh kiện các loại.
Tuấn Vũ
Ảnh: Toyota Việt Nam.