Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng không còn chiếc nào trong số những mẫu xe đó còn tồn tại tới ngày nay. Ngay bản thân hãng Toyota cũng buộc phải chế tạo một bản sao của Model AA, bởi không thể tìm thấy mẫu xe nguyên bản để trưng bày trong Bảo tàng ôtô Toyota ở quận Aichi, Nhật Bản.
Vì thế, khi tin tức về chiếc xe năm 1936, một trong 100 chiếc duy nhất được chế tạo trong năm đầu tiên sản xuất Model AA, đột nhiên xuất đầu lộ diện ở Nga, phát hiện này đã phải đối mặt với không ít nghi ngờ. Tuy nhiên, dù tia hy vọng có xa xăm mơ hồ đến đâu, người ta cũng quyết lần theo bằng được để nắm cơ hội tìm hiểu về mẫu xe Toyota hiếm nhất thế giới.
![Toyota Model AA ở bảo tàng Louwman, Hà Lan. Ảnh: Toyota UK](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/05/Model-AA-intro-1682-1628100654.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c080bS8S0kvC3cZXtWvgcw)
Toyota Model AA ở bảo tàng Louwman, Hà Lan. Ảnh: Toyota UK
Sau khi điều tra kỹ hơn, chuyên gia ở bảo tàng Louwman (Hà Lan) kết luận rằng mẫu xe đích thực là hàng chính hãng. Chiếc Model AA này do một nông dân Siberia sở hữu từ thời Thế chiến thứ II.
Trong hơn 60 năm thuộc quyền sở hữu của gia đình trên, mẫu ôtô đầu tiên của Toyota đã được sử dụng liên tục cho nghề nông và được cải biến đáng kể. Ở khoảng thời gian chưa xác định nào đó, nó còn di chuyển từ sâu trong nội địa Siberia tới tận vùng ngoại ô thành phố cảng Vladivostok, nơi con trai người nông dân này sinh sống.
Trong video dưới đây, do những người trông coi mới ở bảo tàng Louwman cung cấp cho Tạp chí Toyota Anh quốc, có dẫn chứng một vài thoả thuận xung quanh việc mua bán và vận chuyển chiếc xe. Nó đánh dấu đỉnh cao của quá trình thương thuyết dài đằng đẵng, tới tận 7 tháng với chủ xe và Bộ Văn hoá Nga ở Moscow, để cuối cùng được chấp thuận cho xuất khẩu.
Lúc bấy giờ, với các giấy tờ cần thiết, chiếc Toyoda Model AA được đảm bảo an toàn trong container và được vận chuyển bằng tàu hoả từ Vladivostok tới Moscow. Chặng cuối trong hành trình của nó tới Tây Âu là nằm trên xe container.
Chiếc Toyoda Model AA 1936 này hiện đã trở thành một phần trong bộ sưu tập ôtô tư nhân ở bảo tàng Louwman tại The Hague, Hà Lan.
Trong đại sảnh bảo tàng Louwman, là ngập tràn lịch sử chói lọi của ngành công nghiệp ôtô: những thân xe khí động học lấp lánh, bánh xe hợp kim sáng nhoáng và mùi thơm của da cũ mãi vấn vương trong không khí nơi đây, cùng với đó những mẫu ấn mới tinh đầy ấn tượng. Nhưng có một chiếc ôtô đồ sộ, đầy gỉ sét đứng một mình nơi tối đèn, một trong những phát hiện quý giá nhất của bảo tàng này: chiếc Toyoda Model AA.
Viên ngọc thô đó là một mảnh lịch sử trân quý của Nhật Bản, là chiếc ôtô chở khách đầu tiên của Toyota, và là mẫu xe nguyên bản trước Chiến tranh Thế giới II duy nhất được biết đến là còn tồn tại trên Trái đất cho tới ngày nay.
Từ Toyoda tới Toyota
Có thể bạn đang thắc mắc liệu có phải đã sai chính tả khi những đoạn phía trên xuất hiện Toyota AA, khi lại Toyoda AA. Là "ta" hay là "da"? Thật ra chúng là một.
Mẫu AA ra đời năm 1936 ở bộ phận ôtô thuộc Nhà máy Dệt Tự động Toyoda, mang tên của nhà sáng lập Kiichiro Toyoda. Trước xe hơi, gia tộc Toyoda đã tạo dựng được doanh nghiệp dệt thành công ở Nhật Bản. Nhưng cho tới khi doanh nhân Kiichiro, người được truyền cảm hứng từ chuyến thăm nước Mỹ, cùng những chiếc ôtô và nhà máy ở nước này, tương lai chế tạo ôtô mở ra trước mắt.
Sau khi ra mắt nguyên mẫu đầu tiên năm 1935, mẫu A1, giấc mơ của Kiichiro cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi mẫu Model AA ra mắt công chúng một năm sau đó. Được truyền cảm hứng bởi thiết kế thành công của dòng xe Mỹ chủ đạo thời bấy giờ, khung xe của AA có nhiều điểm tương đồng với mẫu Chrysler Airflow thịnh hành khi ấy.
![Toyota AA nguyên bản.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/05/anh-3-jpeg-9711-1628100655.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S5wghONYox6E76cT8k1zCw)
Toyota AA nguyên bản.
Tương tự thân xe, động cơ cũng bắt chước theo loại đã được chứng tỏ khi ấy trên mẫu xe của Mỹ, từ đó cỗ máy 3,3 lít, 6 xi-lanh được phát triển. Trong khi đó, hành khách ở ghế sau có thể say mê trong trải nghiệm êm ái và rộng rãi hoàn toàn mới, nhờ chế độ cân bằng trọng lượng thông minh giữa các bánh xe.
Bộ phận mới cần danh xưng mới. Năm 1937 hãng phát động cuộc thi tìm tên gọi mới cho công ty. Sau hàng nghìn đáp án được gửi tới, Công ty Ôtô Toyota được thành lập. Cái tên Toyota được chọn, vì trong tiếng Nhật, Toyota được viết bởi tám nét, là con số "may mắn" theo quan niệm của người Nhật cũng như nhiều nước châu Á. Trong khi đó, tên gốc Toyoda của nhà sáng lập lại cần tới 10 nét viết.
Năm 1942, sau sáu năm ra đời và chế tạo 1.404 chiếc xe, Model AA bị ngừng sản xuất. Ngày nay, sau bảy thập kỷ, tầm quan trọng và sự hiếm có của mẫu ôtô đầu tiên này chỉ có thể được trân trọng đúng mực bên trong bảo tàng Louwman.
Phát hiện
Sự thật là khi ấy, để nắm trong tay quyền sở hữu một trong những chiếc ôtô quan trọng nhất lịch sử Toyota, bảo tàng Hà Lan đã phải nhờ đến một chút may mắn và rất nhiều quyết tâm.
Câu chuyện như tác phẩm hư cấu đó kể rằng, năm 2008, Ronald Kooyman, giám đốc điều hành bảo tàng Louwman, đã nhận cuộc điện thoại từ một đầu mối liên lạc nói rằng họ biết ai đang bán chiếc AA. Kooyman, gạt bỏ nỗi hoài nghi vẫn luôn bao phủ khi chiếc xe hiếm như vậy được "khai quật", đã gọi tới Nga, nơi một sinh viên 25 tuổi dường như thông báo rằng chiếc ôtô được rao bán trên báo địa phương. Mặc dù được quảng cáo nhầm là mẫu Airflow đã nói ở trên (sai lầm cũng lặp lại trên giấy tờ của chiếc xe), sinh viên này tin chắc vào lai lịch thực sự của chiếc ôtô, và sau một hồi trao đổi qua lại email và hình ảnh, cùng với kỹ năng điều tra phức tạp nào đó, chiếc xe được xác nhận đích thị là Model AA.
Điều không ngờ là, cháu trai của người nông dân, từng sử dụng chiếc xe như con trâu cày trên cánh đồng của ông ta ở Siberia từ thời Thế chiến II, là người rao bán chiếc xe. Thời gian lúc này trở nên vô cùng gấp rút: cần phải đáp ngay chuyến bay tới Moscow và bắt xe tới thành phố Vladivostok xa xôi hẻo lánh ở nước Nga để mang tới thông tin là gia đình Louwman và tất cả mọi người ở bảo tàng Louwman đã hy vọng mỏi mòn – họ muốn tìm và mang về mẫu xe Model AA đầu tiên, mẫu xe hiếm nhất thế giới.
Bảy tháng dài đằng đẵng, giải quyết thủ tục hành chính cùng với vô số đơn từ, nhiều hơn những chiếc email và những cuộc điện thoại phiền hà, bởi chiếc AA khi đó đã hơn 50 tuổi, để xuất khẩu cần phải được Bộ Văn hoá Nga chấp thuận. Cuối cùng, Bộ Văn hoá cũng đồng ý cho bảo tàng mang chiếc xe đi, tới ngôi nhà mới ở đất nước Hà Lan, nơi mà người ta cho rằng chỉ ở đây nó mới có được vị trí cao quý của riêng mình.
Chiêm ngưỡng
Thứ đầu tiên chạm đến giác quan của người xem về chiếc xe cổ là mùi. Đó không phải là mùi hương ngọt ngào của da thuộc, mà là tổ hợp của mùi nệm bọc ghế cũ kỹ cùng mùi kim loại bị ôxy hoá, như cuộc đời đầy gian nan, thử thách mà cỗ xe đã trải qua.
![Nội thất Toyota AA.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/05/anh-2-jpeg-8724-1628100655.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dODxETKRI5EwsXJwpwUdGg)
Nội thất Toyota AA.
Chiếc AA có lưới tản nhiệt, đèn pha, tay nắm cửa và bánh xe trông mới hơn vì đã được tu sửa lại. Thiết kế xe nổi bật với vòm bánh xe cỡ lớn bao xung quanh lốp và đổ về hai bậu cửa rộng, kết thúc ở đoạn nhô lên phía sau, nơi gặp phần đuôi xe tròn trịa. Nắp ca-pô bệ vệ dường như che khuất tầm nhìn, nhưng đầu xe được cân đối gọn gàng bằng ba đường gân mảnh chạy dọc hai bên, làm tăng cảm giác khí động học.
Đặc trưng thiết kế chủ chốt của mẫu AA đầu tiên là kính chắn gió phân đôi, và cửa kính trượt hẹp được giữ nguyên cho phép tài xế có tầm nhìn rộng xuống nắp ca-pô dài. Qua thời gian, chiếc cần gạt nước đã được chuyển từ vị trí "từ trên xuống" ban đầu của chúng, sang gắn ở nắp ca-pô hiện đại hơn, nhưng nó vẫn giữ nguyên đặc trưng của tấm kính chắn.
Nội thất xe vẫn ở trong tình trạng của nó khi được tìm thấy và có thể được miêu tả chính xác nhất bằng từ "nông nghiệp". Chiếc vô-lăng gỗ ba nan cồng kềnh có vẻ là khác biệt đáng kể so với vô-lăng trên ôtô hiện đại, và vô-lăng hiện tại nằm ở bên trái, thay đổi so với vị trí tay lái bên phải ban đầu của chiếc xe. Thời đó, một tấm gỗ tối màu đặt ngang bảng điều khiển hẹp, tập trung một loạt các mặt đồng hồ nhỏ viền chrome và công tắc buồng lái ở trung tâm, ngay phía trên chiếc cần số dài gắn dưới sàn xe.
Tiếng còi cũng là một điểm đặc biệt. Khi ôtô còn là phương tiện hiếm hoi ở Nhật Bản, trên đường phố chủ yếu vẫn là ngựa và xe kéo. Người ta nhanh chóng nhận ra rằng, động vật sợ hãi âm thanh mới phát ra từ những chiếc ôtô, nhưng chúng lại không phản ứng xấu với âm thanh mà những người bán đậu phụ ven đường sử dụng. Vì thế, còi trên chiếc AA được thiết kế để nghe giống người bán đậu phụ, nó vẫn có tiếng như thể đang rao lớn "To-Fu", "To-Fu".
Mai Huyền
Ảnh, video: Toyota UK Magazine