Áp đảo ở trung tuyến
Trận cầu ngày 14/1 chứng kiến Tottenham kiểm soát chặt chẽ khu trung tuyến, và thỉnh thoảng hệ thống này mới bị Man Utd phá vỡ. Destiny Udogie và Pedro Porro liên tục bó vào trung lộ hỗ trợ bộ ba Pierre-Emile Hojbjerg, Rodrigo Bentancur và Oliver Skipp. Cách chơi này khiến hệ thống 4-4-2 của Man Utd với hai tiền vệ trung tâm Kobbie Mainoo và Christian Eriksen bị áp đảo về quân số.
Ở bàn gỡ hòa 2-2, tân binh Timo Werner thoát xuống bên trái rồi chuyền ngược ra tuyến hai cho Bentancur thoải mái dẫn vào vòng cấm rồi sút chéo góc hạ thủ thành Andre Onana. Hàng thủ Man Utd quá bị động, nhưng tình huống này cũng là kết quả trực tiếp từ việc hệ thống của họ bị kéo giãn ở trung tuyến. Họ bị phân tâm, như mọi khi, bởi cách di chuyển vào giữa của các hậu vệ cánh Tottenham.
Thông thường, hàng tiền vệ của HLV Erik ten Hag có thể thu hẹp khoảng trống giữa các tuyến, từ đó hạn chế tầm hoạt động của các tiền vệ khách. Nhưng vũ khí bí mật của Tottenham là sử dụng Bentancur gần giống cầu thủ chạy cánh phải, khi liên tục di chuyển rộng để nhận bóng và kéo giãn hệ thống của Man Utd.
Bentancur tỏa sáng với vai trò này. Khả năng chuyền bóng khôn ngoan khi chịu áp lực và di chuyển liên tục vào khoảng trống của tiền vệ Uruguay giúp đội hình của Tottenham biến hóa.
Tìm kiếm cơ hội từ các pha đánh biên của Man Utd
Hàng tiền vệ mỏng manh là khuyết điểm lớn nhất của Man Utd, trong khi việc áp đảo khu trung lộ bằng các hậu vệ cánh lại là điểm mạnh lớn nhất của Tottenham. Nhưng may mắn thay cho Man Utd, điểm mạnh chính của họ - phản công nhanh - lại tương quan với điểm yếu chính của đối phương.
Alejandro Garnacho và Marcus Rashford liên tục có những khoảng trống ở hai biên do Udogie và Porro thường xuyên bó vào trung lộ và vắng mặt ở những khu vực đó trên sân. Việc Tottenham đẩy cao đội hình và chơi tấn công tại Old Trafford cũng giúp các pha phản công của Man Utd gặp ít sự kháng cự.
Trong bàn mở tỷ số ngay phút thứ ba, Bruno Fernandes chuyền dài để Rashford khai thác khoảng trống bên cánh trái. Tới bàn thứ hai, do Brennan Johnson không kịp lùi về, Cristian Romero phải lao ra hỗ trợ Porro, tạo điều kiện để Rasmus Hojlund rảnh chân bật nhả giúp Rashford lập công.
Ngược lại, chính việc Rashford, Garnacho dâng cao chờ phản công và lùi về chậm mỗi khi mất bóng giúp Tottenham có cơ hội lên bóng nhanh. Timo Werner có màn ra mắt tương đối ấn tượng vì có rất nhiều khoảng trống bên cánh trái phía sau Garnacho. Chính tình huống di chuyển rất đơn giản xuống cánh trái của tiền đạo người Đức giúp Tottenham giành được quả phạt góc và từ đó ghi bàn gỡ hòa 1-1 với pha không chiến của Richarlison.
Đây là vấn đề của Man Utd suốt cả mùa giải. Với mong muốn có ba tiền đạo nhanh ở vị trí dâng cao, sẵn sàng phản công, Ten Hag hy sinh sức mạnh phòng ngự ở các khu vực rộng.
Vượt khó khi thiếu hụt lực lượng
Vào một ngày khác, những vấn đề của Man Utd có thể đã dẫn đến chiến thắng cho Tottenham. Nhưng thực tế tại Old Trafford cho thấy đội khách mệt mỏi về cuối trận, và có ít phương án tấn công từ ghế dự bị.
Johnson không đạt phong độ cao nhất, do vừa trở lại sau chấn thương. Nhờ đó, Man Utd không chịu nhiều áp lực bên cánh phải. Tottenham cũng không có bản năng sát thủ khi vắng James Maddison, Son Heung-min hay Dejan Kulusevski. Điều này ngăn họ thắng tại Old Trafford, và có thể lặp lại trong những tuần tới.
Chuyến làm khách trước Man Utd là lần đầu tiên Tottenham mở màn một trận Ngoại hạng Anh mà không có Harry Kane và Son kể từ tháng 3/2020. Họ không thắng cả năm trận gần nhất khi thiếu bộ đôi ngôi sao này trong đội hình xuất phát.
"Tottenham vẫn hài lòng hơn với một điểm, ngay cả khi vắng nhiều trụ cột, họ vẫn kiểm soát thế trận ở Old Trafford", Alex Keble bình luận. "Tottenham có nhiều thiếu sót, giống Man Utd. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, tập thể dưới trướng Postecoglou là đội gắn kết và chặt chẽ hơn".
Hồng Duy