Nguyễn Văn Dân -
NXB Công an Nhân dân vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Tôtem sói của tác giả Trung Quốc Khương Nhung, do Trần Đình Hiến dịch. Vừa ra đời, tác phẩm đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dư luận về cuốn sách có nhiều ý kiến khác nhau: khen cũng nhiều mà chê cũng lắm. Đó là vì, cũng giống như những tác phẩm gây tranh cãi khác, cuốn sách đặt ra một vấn đề mang tính khoa học đòi hỏi phải được chứng minh một cách thuyết phục. Đó là vấn đề về tính cách dân tộc của một quốc gia.
Trước hết nói về câu chuyện được kể trong cuốn sách. Gọi là tiểu thuyết, nhưng, không giống như những tiểu thuyết cổ điển, cuốn tiểu thuyết này có thể được coi là một tiểu thuyết phóng sự, hay chính xác hơn là một cuốn hồi ký phóng sự. Nội dung thuật lại quãng thời gian 11 năm của nhân vật chính có tên là Trần Trận, hay có thể nói là nhân vật đại diện cho tác giả, diễn ra trên vùng thảo nguyên Nội Mông của Trung Quốc khi nhân vật này về đây thực thi lao động cải tạo trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Tại đây, Trần Trận đã được hoà mình vào cuộc sống thảo nguyên, bị hấp dẫn bởi cuộc sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã, bởi những câu chuyện và thực tế huyền hoặc về bầy sói thảo nguyên Mông Cổ. Anh đã phát hiện ra Tôtem sói của người Mông Cổ, say mê nó và quyết định nghiên cứu nó để rút ra một lý thuyết về sự ưu việt của tính cách sói trong các dân tộc và các thời đại của những nền văn minh lớn. Để cuối cùng, anh - hay tác giả - đi đến kết luận rằng, chỉ có tính cách sói của nền văn minh du mục mới đưa được các dân tộc - đặc biệt là dân tộc Hoa Hạ đang có nguy cơ bị tính cách cừu của nền văn minh canh nông lấn át hiện nay của Trung Hoa - bay lên chiếm lĩnh đỉnh cao của văn minh nhân loại.
![]() |
Bìa cuốn "Tôtem sói". |
Đó là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt câu chuyện và đúc kết lại ở phần cuối, trong cái gọi là luận văn đề tài nghiên cứu của Trần Trận. Tư tưởng này được triển khai trên cái nền cuộc sống thảo nguyên bán hoang dã được miêu tả rất sinh động của cuốn tiểu thuyết. Đặc biệt là lần đầu tiên, cuộc sống của bầy sói hoang thảo nguyên Mông Cổ được miêu tả hấp dẫn trước con mắt của độc giả văn minh hiện đại ngày nay. Ngoài chủ đề chính nói trên, tác giả còn để lại một thông điệp cảnh báo rất rõ ràng về mặt trái của công cuộc khai hoá văn minh đối với thảo nguyên, một thông điệp rất phù hợp với những mối quan tâm nóng bỏng về môi trường toàn cầu hiện nay, phù hợp với đề tài phát triển bền vững của toàn thế giới.
Tư tưởng của tác phẩm được thể hiện qua hình tượng văn học và những lời tuyên bố rất rõ ràng qua từng trang viết của nhà văn. Nhưng tại sao lại xuất hiện nhiều phản ứng gay gắt đối với cuốn sách này như vậy? Những người phản đối cho rằng cuốn sách này cổ xuý cho chủ nghĩa phát xít, cho hành động bạo lực, cho chiến tranh. Thực tế là như thế nào?
Có người khi phản đối ý kiến trên đã cho rằng cần phải nhớ Tôtem sói là một cuốn tiểu thuyết, rằng phải đọc nó giữa hai dòng chữ mới thấy được tư tưởng nhân văn của tác giả! Khốn thay! Có cái gì mà phải đi tìm giữa hai dòng chữ. Tư tưởng của tác giả đã bày ra lồ lộ ngay trên từng trang giấy trong suốt cả cuốn tiểu thuyết rồi. Về tư tưởng bảo vệ thiên nhiên chống lại mặt trái của khai hoá văn minh có ai mà phải băn khoăn nghi ngờ nữa. Còn về tư tưởng cổ xúy cho chủ nghĩa phát xít? Tác giả cũng đã tuyên bố rất rõ ở phần cuối câu chuyện. Tôi xin trích nguyên văn:
"Trước hết, muốn thay đổi tình trạng lạc hậu của Trung Quốc thì phải nhanh chóng chuyển đổi tồn tại dân tộc của Trung Hoa thành tồn tại dân tộc có nền kinh tế chính trị đủ sức cạnh tranh, mau chóng bồi dưỡng tính cách dân tộc dũng mãnh cầu tiến, không bao giờ được tự mãn. Điều này quyết định về căn bản vận mệnh dân tộc Trung Hoa.
Thứ nữa, trên cơ sở tính cách dân tộc kiên quyết đi con đường "văn minh sói hiện đại", cần phóng thích có mức độ và cao tay trong việc điều khiển sói tính trong nhân tính. Đây là con đường cực khó đối với các nước trên thế giới. Sói tính linh hoạt và đầy sức sống đồng thời lại điên khùng tham lam cướp bóc và phá hoại. Sói tính trong nhân tính chẳng khác phản ứng nhiệt hạch, năng lượng cực lớn, sức phá hoại cũng cực lớn, khống chế tốt thì đem lại hanh phúc cho nhân loại, khống chế dở thì gây ra tai ương cho toàn cầu. Trên thế giới chưa có nhiều nước phóng thích hợp lý và chế ngự tốt năng lượng nhiệt hạch. Nước nào làm được như vậy đều đứng đầu các nước phát triển. Con đường này cực kỳ khó khăn, ngay cả cường quốc cận hiện đại, làm không tốt cũng dễ bị lật thuyền như ba nước Đức, Italy, Nhật trong thế chiến II, vì chưa kiểm soát được sói tính trong tính dân tộc, kết quả bùng nổ hoạ phát xít, gây tổn thất lớn cho chính ba nước và nhân dân thế giới". (tr. 548-549).
Kể cả kiểu phóng thích "sói tính" trong Cách mạng Văn hoá của Trung Quốc cũng bị tác giả cho là "vô chính phủ, cực đoan, gây tai hoạ tày trời chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc" (tr. 549).
Như vậy là rất rõ: tác giả chỉ muốn tung hô tinh thần sói để phát triển đất nước chứ không muốn cổ xuý cho chủ nghĩa phát xít. Vấn đề còn lại chỉ là: có đúng tinh thần sói dũng mãnh là động lực cho mọi sự phát triển không?
Phải nói ngay rằng đây là cuốn tiểu thuyết có tham vọng khoa học. Nhưng vì là tiểu thuyết cho nên mọi kết luận khoa học đòi hỏi phải được kiểm chứng bằng con đường khoa học thì mới đưa ra được những kết luận mang tính chân lý. Đành rằng có nhà triết học kinh điển từng cho rằng ông đã học được nhiều điều qua tiểu thuyết của Balzac hơn bất cứ qua một nhà kinh tế học tư sản nào của thế kỷ XIX, nhưng ta phải hiểu, khi nhà triết học kinh điển đó tuyên bố như vậy tức là ông muốn phê phán sự yếu kém của các nhà triết học và kinh tế học tư sản đương thời. Mặt khác, những điều ông học được qua tác phẩm văn học đều đã phải được ông kiểm chứng lại bằng thực nghiệm khoa học, chứ không phải ông tiếp thu nguyên xi chân lý nghệ thuật của nhà văn để biến nó thành chân lý khoa học.
Ở đây cũng vậy, nếu không được kiểm chứng khoa học chứng minh, thì tất cả những điều miêu tả của Khương Nhung về "Tôtem sói" vẫn chỉ dừng lại ở những giá trị văn học hư cấu thuần tuý mà thôi. Cho nên, lý thuyết về động lực phát triển của Tôtem sói, của văn minh du mục của tác giả chỉ là một "ý muốn" của tác giả. Bản thân tôi, tôi không tin đó là một lý thuyết khoa học đủ sức thuyết phục. Đặc biệt là cái ý thức coi thường văn minh nông canh so với văn minh du mục, gắn văn minh nông canh với tính cách cừu yếu đuối, kìm hãm phát triển là không thể chấp nhận được. Chỉ cần lấy nước Mỹ làm ví dụ: đó là một siêu cường thế giới nhưng vẫn chú trọng nông nghiệp trồng trọt và thực sự là nước có nền nông nghiệp trồng trọt mạnh nhất thế giới. Bản thân tác giả cũng đầy mâu thuẫn khi nói rằng "... sự tấn công của sói (...) khiến người và gia súc dừng lại ở trình độ tái sản xuất đơn giản, duy trì nguyên trạng trình độ nguyên thuỷ" (tr. 101), tức là sói giữ con người ở lại với trình độ nguyên thuỷ, thế nhưng ông vẫn đòi phải duy trì sói, duy trì tô tem sói để làm động lực cho sự phát triển! Nói tóm lại, lý thuyết phát triển dựa vào Tôtem sói du mục là một lý thuyết đáng ngờ, nếu không nói là ngớ ngẩn.
Có những người phản đối tư tưởng Tôtem sói của Khương Nhung xuất phát từ phản ứng bột phát trước ý thức sùng bái "tính cách sói" của tác giả nhưng cũng có những người phản đối lại xuất phát từ một thứ chủ nghĩa sô vanh nước lớn để cho rằng tư tưởng của Khương Nhung cũng là một thứ chủ nghĩa sô vanh Đại Hán phát xít. Đó là quan điểm của một vị giáo sư Hán học người Đức có tên là Wolfgang Kubin. Ông này cho rằng Tôtem sói là chủ nghĩa phát xít, rằng "văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi", rằng "nước Đức đi tới đâu cũng có nhà văn", còn Trung Quốc thì không. Nhưng thật nực cười, ông ta lại nói nước Đức đã dịch tất cả các nhà văn Trung Quốc của mọi thời đại, "mọi thời đại" có nghĩa là trong đó có văn học đương đại, thứ văn học mà ông cho là "rác"! Dưới con mắt của vị giáo sư này, chủ nghĩa sô vanh nước Đức không chấp nhận có một cường quốc Trung Quốc đang nổi lên.
Tóm lại, cần phải có con mắt khách quan khi đánh giá Tôtem sói. Trung Quốc đang có tham vọng trở thành một cường quốc, đó là một thực tế. Tham vọng này đang được mọi người dân Trung Quốc trong đó có các văn nghệ sĩ cổ xuý nhiệt liệt. Phim ảnh khai thác đề tài lịch sử của Trung Quốc đang có một xu hướng khoa trương truyền thống bá vương nghìn năm. Trong xu hướng này, Tôtem sói cũng góp một giọng hoà vào với dàn đồng ca khuếch trương tinh thần dân tộc. Ý tưởng của tác giả, với quan điểm chỉ dừng lại ở chủ nghĩa phục hưng dân tộc, phản đối xu hướng phát xít hoá như đã tuyên bố ở trang 549 thì vẫn có thể được coi là một tình cảm yêu nước có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt chân lý khoa học của cuốn sách thì như tôi đã nói, nó còn cần phải được chứng minh, nếu không nó không đáng phải lưu tâm, có thể coi là một lý thuyết ngớ ngẩn, không đáng phải làm ầm ĩ lên như vậy.
Tuy nhiên không thể phủ nhận là cuốn sách có một giá trị nghệ thụât được thể hiện ở việc miêu tả tình cảm con người với thiên nhiên. Song nó cũng không phải là cuốn sách duy nhất trên thế giới từ trước đến nay viết về thiên nhiên để được tôn sùng là có một không hai. Viết về thiên nhiên là một trong nhưng xu hướng quan trọng của văn học thế giới mà các nhà văn lãng mạn trước đây đã là những người đi đầu từ lâu. Dù sao cũng phải công nhận, những trang viết về sói cua Khương Nhung là những đóng góp độc đáo của nhà văn.
Nhưng xin nhớ: chúng ta chỉ nên thưởng thức chúng như là những giá trị nghệ thuật, đừng coi chúng là chân lý khoa học một khi chúng chưa được khoa học kiểm chứng.
Cho nên có thể nói, có một giá trị nhân văn không phải bàn cãi duy nhất của cuốn sách này là ý thức bảo vệ thiên nhiên, ủng hộ quan điểm về phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đang phát động. Và tất nhiên, với một giá trị như vậy, cuốn sách cũng chỉ có thể được coi là sự thành công nhất định đối với một trong những đề tài xã hội của con người. Còn về tham vọng phát hiện lý thuyết khoa học, tôi cho rằng chuyện chưa đến mức có gì để làm ầm ĩ như vậy.
(Nguồn: Văn Nghệ)