Quy chế được Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh ký ngày 30/12 và có hiệu lực kể từ ngày ký. Với 6 chương, 18 điều, quy chế đề cập đến những quy định chung, điều kiện và thủ tục cấp phép, quyền và trách nhiệm của đơn vị tổ chức và thí sinh đoạt danh hiệu, phân cấp quản lý, thanh tra - kiểm tra và xử lý vi phạm, các điều khoản thi hành.
Quy chế mới có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động thi sắc đẹp và đề ra quy định chặt chẽ hơn với đơn vị tổ chức và thí sinh tham gia. Hiện trạng loạn Hoa hậu được khắc phục bằng cách hạn chế tối đa số lượng các cuộc thi hàng năm. Bắt đầu từ 2009, mỗi năm, Việt Nam sẽ chỉ có nhiều nhất một cuộc thi Hoa hậu mang quy mô toàn quốc, một cuộc thi Hoa khôi quy mô vùng, ngành và đoàn thể. Riêng cuộc thi Người đẹp có quy mô cấp tỉnh được tổ chức nhiều nhất 2 năm một lần. Các nhà soạn thảo đồng thời cũng phân biệt rõ tầm vóc của từng cuộc thi dựa theo tên gọi danh hiệu. Chỉ những kiều nữ chiến thắng tại các đấu trường toàn quốc mới được gọi là Hoa hậu. Ngôi vị cao nhất tại các cuộc thi quy mô hẹp hơn lần lượt là Hoa khôi và Người đẹp.
Từ 18 tuổi trở lên, các cô gái mới được thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhằm tránh những bất cập từng xảy ra trong những năm vừa qua, quy chế mới nâng cao điều kiện đối với đơn vị tổ chức và thí sinh dự thi. Các cô gái muốn dự thi sắc đẹp buộc phải đủ 18 tuổi trở lên và đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong trường hợp thí sinh đoạt danh hiệu vi phạm quy chế hoặc các quy định của pháp luật, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch sẽ giữ quyền tước vương miện, danh hiệu và đề ra các hình thức kỷ luật. Nhà tổ chức muốn đăng cai phải chứng minh được nguồn tài chính, phải trao thưởng ngay trong đêm chung kết. Đặc biệt, nếu để xảy ra sai phạm, họ sẽ không được cấp phép trong lần tiếp theo. Quy định này khiến nhiều người băn khoăn về khả năng Báo Tiền Phong mất quyền tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2010. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng Quản lý Cục Nghệ thuật Biểu diễn - cho biết: "Vụ việc này xảy ra trước khi quy chế mới có hiệu lực".
Tuy có nhiều sửa đổi, nhưng quy chế mới vẫn còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ, logic về mặt câu chữ. Quy chế không quy định rõ, thế nào là một cuộc thi có quy mô toàn quốc (Hoa hậu), cũng như quy mô của Hoa khôi và Người đẹp. Chính vì vậy, khi được hỏi, liệu những cuộc thi như Hoa hậu Thế giới người Việt có được coi là quy mô toàn quốc, ông Thắng chỉ cho biết: "Cuộc thi này vừa có yếu tố toàn quốc lại vừa có yếu tố quốc tế" chứ không đưa ra cách phân loại cụ thể.
Theo quy chế mới, Hoa hậu Du lịch sẽ trở thành một cuộc thi Hoa khôi cấp ngành. Ảnh: Thoại Hà. |
Một số cách diễn đạt của quy chế đưa lại nhiều cách hiểu, hoặc gây ra cảm giác mơ hồ. Chẳng hạn, khoản 1, điều 2 của quy chế viết: "Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hiểu biết về văn hóa, xã hội, có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam để trao tặng danh hiệu". Các khái niệm "có đạo đức tốt, có hiểu biết về văn hóa, xã hội" được sử dụng khá trừu tượng, không phù hợp với ngôn ngữ trong một văn bản pháp lý. Hoặc, khoản 2, điều 3, nghiêm cấm "tổ chức cuộc thi không đúng với nội dung Quyết định cho phép; vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ", mà không đề cập đến những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật.
Theo quy chế mới, việc nộp hồ sơ xin tổ chức các cuộc thi Hoa hậu sẽ được tiến hành vào tháng 10 hàng năm. Theo ông Lê Ngọc Cường - Cục trường Cục Nghệ thuật Biểu diễn, riêng với năm 2009, Cục sẽ nhận hồ sơ cấp phép cho các cuộc thi vào đầu năm.
Hà Linh