Trước ồn ào xung quanh việc điểm chuẩn trường sư phạm thấp, hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp, cô giáo Thanh Lương (23 tuổi) bảo nghề nào cũng vậy, có người giỏi người không. Nếu quyết tâm sống với nghề thì nghề không phụ mình.
Lương nhớ lại đầu năm 2012, trong khi các bạn cùng khóa đau đầu chọn trường thi đại học, cô khiến mọi người bất ngờ khi chỉ nộp hồ sơ vào trường duy nhất là Đại học Sư phạm Hà Nội. “Năm lớp 12, tôi luôn được điểm cao nhất trường trong mỗi lần thi thử, trong đầu chỉ nghĩ thi vào sư phạm, không có ý nghĩ khác dù thoáng qua”, Lương kể.
Quyết định của cô gái đến từ tỉnh trung du miền Bắc bị nhiều người chỉ trích, một phần vì quá liều lĩnh, một phần vì học sư phạm sau này hoặc thất nghiệp, hoặc rất nghèo, trong khi khả năng của cô thừa đỗ nhiều trường danh giá khác. Tuy nhiên, Lương có lý do để lựa chọn như vậy.
Xuất phát điểm là học sinh "dốt nhất lớp", Lương như đổi đời khi gặp người thầy đặc biệt. “Lúc tuyệt vọng nhất, thầy nói tôi có nhiều tố chất để thành công. Tôi tin thầy và lao vào học để trở thành học sinh giỏi nhất trường vào năm cuối cấp ba”, Lương kể lại. Đó là một trong hai lý do khiến cô theo đuổi nghề giáo.
Lý do còn lại nghe cao cả hơn - đòi công bằng cho học sinh nghèo. “Bản thân vừa học dốt, vừa nhà nghèo, không bạn nào thèm chơi cùng, nhiều thầy cô tỏ thái độ thờ ơ với tôi. Tôi bức xúc và tự dằn vặt mình với một loạt câu hỏi vì sao nhà nghèo lại khổ? Vì sao xã hội còn nhiều bất công thế để rồi mong muốn tột bậc được trở thành cô giáo", Lương nói.
Cũng từ lý do thứ hai, cô gái sinh năm 1994 từng có ý định sau này ra trường sẽ tham gia giảng dạy ở một vùng khó khăn nào đó. Dù biết rất gian nan nhưng ở độ tuổi non trẻ, cô luôn nghĩ như vậy.
Năm 2012, Lương đỗ ngành sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội với niềm tin sẽ xin được một công việc như ý muốn. Không có tiền, không có quan hệ để nhờ cậy, cô chỉ biết cố gắng tích lũy thật nhiều kiến thức, trau dồi chuyên môn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Tôi không hiểu vì sao nhiều bạn có suy nghĩ dành kỳ đầu đại học để nghỉ ngơi. Điều đó chẳng khác nào tạo cơ hội cho những người xuất phát trước và tôi đã biết tận dụng cơ hội đó", Lương nói.
Ngoài học trên lớp, Lương đi làm thêm đủ thứ việc liên quan đến ngành học ngay từ năm nhất, tham gia nhiều lớp kỹ năng sư phạm. Đến năm ba, cô đã rải đơn xin việc khắp nơi dù biết không được nhận. "Chẳng sao cả vì ít nhất tôi đã gây bất ngờ cho nhà tuyển dụng và quan trọng hơn là biết mình đang đứng ở đâu trong số hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp cùng khóa", Lương tự tin chia sẻ.
Dốc sức chạy đua trong bốn năm đại học, Lương ra trường với tấm bằng giỏi. Tháng 6 mới được nhận bằng nhưng tháng 3 cô đã đi phỏng vấn vào ba trường có tiếng ở Hà Nội, gồm một trường công lập, một trường dân lập và một trường quốc tế. Cùng lúc đó, cô được nhiều trường công ở Phú Thọ mời về dạy. Nhưng cuối cùng, Lương chọn trường quốc tế.
Quyết định này trái ngược với mong muốn của bốn năm trước, khi cô định giúp đỡ những học sinh nghèo. Lương giải thích, với suy nghĩ của một người đi làm, phải đỡ đần gia đình và lo chuyện tương lai với người bạn trai ở Hà Nội, cô không thể làm khác.
Cô giáo sinh năm 1994 phân tích lý do chọn trường quốc tế. Với thu nhập 15-20 triệu mỗi tháng, cô vừa có thể chi trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí đắt đỏ ở Hà Nội, vừa gửi về quê hỗ trợ bố mẹ và vẫn tạo khoản tiết kiệm nhỏ. Trong khi đó, nếu dạy ở một trường công lập, cô sẽ chỉ đủ trả tiền nhà. Không có hộ khẩu Hà Nội, cô cũng không hy vọng việc vào biên chế, đợi tăng bậc, tăng lương.
Mặt khác, môi trường làm việc ở trường quốc tế khiến Lương cảm thấy có động lực tự phát triển. “Mới vào dạy, tôi đã được nhà trường tin tưởng giao lớp. Sẽ có người dự giờ trong những buổi đầu để đánh giá. Tôi có trách nhiệm phải chủ động học hỏi, tự nâng cao năng lực. Các đồng nghiệp ở trường luôn thân thiện và hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ”, Lương say sưa nói.
Nhắc đến đồng nghiệp, Lương kể lại câu chuyện của cô bạn thân thời đại học. “Cô ấy xuất sắc hơn tôi ở trường nhưng hiện tại công việc của tôi tốt hơn nhiều. Ra trường, cô bạn lựa chọn về dạy ở trường chuyên của tỉnh. Một lựa chọn mà chính cô ấy cũng phải ứa nước mắt xác nhận sai lầm", Lương kể.
"Cái mà xã hội gọi là ổn định trong trường công lập là lương tháng hai triệu, làm việc giờ hành chính, có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng ở đó, bạn tôi phải đối mặt với chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, giáo viên thâm niên chèn ép người trẻ, bắt dạy tiết một và tiết cuối. Thời buổi nào rồi vẫn bắt giáo viên phải soạn giáo án viết tay, toàn hình thức và dập khuôn", Lương tiếp tục kể và cho biết những điều này khiến bạn cô bị stress nặng, trở nên tự ti.
Cô giáo trẻ nhận định ngoài ưu điểm có nhiều học sinh ngoan, ham học hỏi khiến thầy cô vui lòng thì môi trường công đánh giá kiểu cào bằng, không khuyến khích sáng tạo, lương thấp khiến giáo viên trẻ nản và muốn bỏ nghề. "Thực tế rất nhiều người bỏ nghề. Còn tôi, phải chịu áp lực lớn hơn ở trường quốc tế nhưng đổi lại không phải lo tiền bạc, được chuyên tâm phát triển chuyên môn nên yêu nghề hơn", Lương thẳng thắn nói.
Trong bối cảnh nhiều người cho rằng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", Lương khẳng định vẫn có những người trân trọng công việc đứng trên bục giảng thực sự và thi vào sư phạm vì đam mê.
“Em trai tôi năm nay đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm 28. Tôi luôn nói với em rằng nghề sư phạm rất triển vọng và nhiều cơ hội khi ra trường. Nhiều giáo viên dạy online còn kiếm cả trăm triệu một tháng. Chỉ có những sinh viên thụ động, lúc học chỉ nghĩ đến thất nghiệp mới thất bại”, Lương nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.