Thứ tư, 2/10/2019, 12:36 (GMT+7)

Torres và những vòng lặp lạ kỳ

Fernando Torres là trường hợp hiếm hoi vươn lên vị trí thần tượng ở một CLB, ra đi ở đỉnh cao rồi trở về khi luống tuổi mà vẫn được yêu mến.  

Torres treo giày hôm 23/8/2019 trong màu áo Sogan Tosu - một CLB Nhật Bản. Ba thập niên trước đó, Torres quyết tâm trở thành một cầu thủ bóng đá chính từ một niềm cảm hứng của đất nước mặt trời mọc. 

Không phải Pele hay Maradona, thần tượng bóng đá đầu đời của Torres là... Tsubasa. Anh chia sẻ trên Daily Mail: "Ngày tôi còn bé, tín hiệu trên TV không thực sự tốt, nhưng đứa trẻ nào ở trường cũng nói về loạt phim hoạt hình Nhật Bản ‘Oliver y Benji’ (phiên bản Tsubasa được lồng tiếng tại phương Tây). Tôi yêu loạt phim này và luôn muốn trở thành Oliver (Tsubasa), bởi cậu ấy chơi ở trên hàng công. Nhờ vào loạt phim này cộng thêm sự thúc ép từ anh trai, tôi bắt đầu chơi bóng".

Torres giải nghệ trên đất Nhật Bản - xứ sở mà anh từng mơ ước qua những thước phim hoạt hình về Tsubasa. Ảnh: AP.

CLB mà anh gắn bó lâu nhất cũng là nơi Torres từng "đi thật xa để trở về". Cả sự nghiệp cầu thủ, Torres đá 714 trận ở cấp CLB thì có tới 350 trận trong màu áo Atletico. Anh lần đầu tới sân Calderon tháng 1/1995, trong một nỗ lực truyền tình yêu với Atletico của ông nội tới đứa cháu trai. Tình yêu đó khiến Torres trở thành một... kẻ lạc loài, khi ở khu vực Fuenlabrada, hầu như mọi đứa trẻ mê bóng đá đều là fan của đại kình địch Real Madrid. Mỗi ngày tới trường sau khi Atletico thua trận trước Real chẳng khác gì cực hình với cậu nhóc khi đó.

Sợi dây liên kết giữa Torres và màu áo đỏ-trắng được hình thành lúc anh 10 tuổi, khi hai anh em Torres được bố đưa tới cuộc tuyển mộ tài năng trẻ tại khu Carabanchel của Atletico. Tuyển trạch viên Manuel Brinas được giao nhiệm vụ xây dựng lại hệ thống đào tạo trẻ của Atletico sau khi Chủ tịch Jesus Gil xoá sổ nó và để vuột mất Raul Gonzalez vào tay đối thủ cùng thành phố. 200 đứa trẻ được chia thành những đội 11 người và đá 20 phút mỗi hiệp để các nhà tuyển trạch chấm điểm.

Sau khi quan sát Torres, Brinas quay sang bảo các nhà tuyển trạch: "Cho cậu nhóc này điểm 10. À không, hãy cho nó điểm 10+!". Theo chia sẻ sau này của Brinas trên Guardian, cậu nhóc với mái tóc vàng và gương mặt lấm tấm tàn nhang ấy là người giỏi nhất trong số 40 tài năng trẻ được Atletico mời tham gia vòng tuyển chọn tiếp theo. Năm lên 11 tuổi, Torres gia nhập học viện đào tạo trẻ của Atletico, với mục tiêu "được chơi cho đội một, và hy vọng còn có thể ghi một bàn thắng".

Năm 1998, đội U15 của Atletico dự Nike Cup - một giải thiếu niên châu Âu - và giành chức vô địch, trong khi Torres được trao giải cầu thủ xuất sắc. Một năm sau đó, anh ký hợp đồng chuyên nghiệp với Atletico ở tuổi 15. Lần đầu tiên ra mắt đội một của Torres là 27/5/2001, khi Atletico tiếp đón Leganes ở... giải hạng Nhì Tây Ban Nha. Đó là giai đoạn đen tối bậc nhất lịch sử Atletico, khi họ lần đầu xuống hạng năm 2000, trong khi đối thủ cùng thành phố Real liên tục mang về những chiếc Cup và các bản hợp đồng kỷ lục thế giới.

Với Torres, tình yêu Atletico là bất diệt. 

Chủ tịch Jesus Gil từng mô tả việc phải chơi bóng ở giải hạng hai là "một năm sống trong địa ngục", nhưng thực tế là Atletico phải mất tới ... hai mùa mới trở lại được La Liga. Và đó là lý do Torres – dù đã là một người đàn ông trưởng thành – vẫn sẽ mãi là "El Nino" (Cậu nhóc) trong mắt những người yêu mến Atletico. 

Tờ Guardian viết: "Thật khó để diễn tả bằng lời hình ảnh thần tượng Torres vĩ đại đến nhường nào tại sân Calderon, nơi người ta mặc những chiếc áo Liverpool sau khi anh ta rời đội bóng lần đầu. Bàn thắng Torres ghi trong trận chung kết Euro 2008 để đem về chức vô địch quốc tế lần đầu sau 44 năm được cổ động viên Atletico xem như của họ, chưa kể việc Torres quấn quanh người một lá cờ Atletico khi mừng chức vô địch Euro và World Cup. Người hâm mộ Atletico yêu El Nino bởi anh ấy luôn ủng hộ đội bóng và trong mắt họ, Torres là người đã đưa họ thoát khỏi giải hạng Nhì."

Trận đấu cuối cùng của Torres trong màu áo Atletico là thất bại 0-6, trong mùa giải 2006-2007 mà anh ghi được 15 bàn. Khi Torres tuyên bố: "Tôi phải ra đi vì sự phát triển của tôi và CLB đang đi theo hai hướng trái ngược nhau", chẳng ai có thể trách anh. Anh ra mắt đội một ở tuổi 17 và trở thành đội trưởng trẻ nhất lịch sử ở tuổi 19. Nhà báo Sid Lowe nhận xét: "Torres đã trải qua địa ngục và chờ đợi. Khi anh ấy rời CLB, hành trang mang theo không chỉ là những lời chúc phúc mà còn là sự biết ơn. Ai cũng thấy rằng Torres quá giỏi để chơi bóng ở Atletico khi đó. Các cổ động viên tự thuyết phục rằng anh ấy còn đau khổ nhiều hơn họ và tiếp tục cổ vũ anh ấy - người đã từ chối lời mời từ Real. Torres thấu hiểu, trân trọng danh tính của Atletico và thể hiện nó cả trong lẫn ngoài sân tốt hơn bất kỳ ai".

Torres từng là đội trưởng của Atletico Madrid có HLV hiện tại Diego Simeone trong đội hình. Ảnh: EFE.

Ngày Torres trở lại sân Calderon vào mùa giải 2014-2015, vẫn có hơn 35.000 CĐV tới chào đón anh như thể một bản hợp đồng bom tấn. Atletico đã vươn tầm thành một đội bóng thách thức Barca, Real tại La Liga, và là đối thủ mà ai cũng kiêng dè tại Champions League. 

Từ khi Torres ra đi, sân Calderon cũng có thêm không ít tiền đạo đẳng cấp thế giới khác: từ Diego Forlan, Sergio Aguero, Radamel Falcao, David Villa cho tới Diego Costa. Nhưng Torres vẫn là một trường hợp đặc biệt, dù anh chỉ còn là cái bóng mờ của bản thân ở thời hoàng kim và chấp nhận làm nền cho Antoine Griezmann trên hàng công. 

Trong giai đoạn thứ hai khoác áo Atletico từ năm 2014 tới 2018, Torres chỉ có 38 bàn sau 160 trận, đạt hiệu suất 0,23 bàn/trận. Thời gian Torres chờ bàn thắng thứ 100 cho Atletico lên tới... 20 trận, nhưng CĐV Atletico vẫn yêu mến anh vô điều kiện.

Dù Torres ở đâu, anh vẫn là một người con của Atletico và không bao giờ quên nơi mình xuất phát. Khi Torres ghi được bàn thắng thứ 100 trong chiến thắng trước Eibar năm 2016, anh vội vã đi tìm Manuel Brinas trong lúc các đồng đội đang đi vòng quanh sân cảm ơn khán giả. Ông Brinas – lúc đó đã 84 tuổi – kể lại với tờ Guardian: "Tôi đang định về nhà thì thấy ai đó ra vỗ vai. Tôi quay lại và thấy đó là Fernando. Cậu ấy chìa ra chiếc áo cậu ấy mặc và thì thầm: 'Đây là món quà dành cho ông, ông đã giúp cháu yêu màu áo này. Cháu sẽ mãi mãi biết ơn ông cho tới ngày cuối cuộc đời".

Europa League 2018 là danh hiệu lớn duy nhất của Torres có với Atletico Madrid. 

Torres từ giã khán giả Atletico trên sân bóng mới Wanda Metropolitano bằng danh hiệu Europa League 2018. Xét về mức độ danh giá, rõ ràng chiếc Cup hạng hai ở châu Âu chẳng thể sánh bằng chức vô địch World Cup 2010 và hai danh hiệu Euro 2008, 2012, hay Champions League 2012 mà Torres từng giành được cùng đội tuyển Tây Ban Nha và Chelsea. Nhưng với Torres, "Europa League là danh hiệu tuyệt nhất tôi từng có", bởi đó là danh hiệu duy nhất mà anh có được cùng tình yêu vĩnh cửu Atletico, nơi khán đài chăng biểu ngữ khổng lồ ngày chia tay anh: "Từ một Cậu bé trở thành Huyền thoại"!.

Đỉnh cao và Vực sâu

Sự nghiệp của Torres có thể chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi anh gia nhập Chelsea tháng 1/2011 với khoản phí khổng lồ 50 triệu bảng (61 triệu USD). Torres tới sân Stamford Bridge với rất nhiều kỳ vọng, sau những gì anh đã thể hiện trong màu áo Liverpool. Muốn biết Torres giai đoạn đó đáng sợ ra sao, hãy cứ hỏi Nemanja Vidic.

Cựu trung vệ thủ quân Man Utd là hậu vệ hay bậc nhất Ngoại hạng Anh và cùng Rio Ferdinand hợp thành bức tường thép án ngữ trước chốt chặn Van der Sar. Nhưng hầu như cứ mỗi lần Man Utd đụng độ Liverpool, Vidic lại bị Torres "quay như chong chóng". Bản thân Vidic hai lần nhận thẻ đỏ trong các trận với kình địch Liverpool, đồng thời là chứng nhân trong thảm bại 1-4 ngay trên sân nhà Old Trafford năm 2009. Dù năm đó Man Utd vẫn lên ngôi vô địch, ít ai quên được hình ảnh Torres đi bóng, bỏ lại sau lưng một Vidic ngã sõng soài và nhìn theo trong bất lực.

Vidic từng là nạn nhân nổi tiếng nhất của Torres. Ảnh: PA.

Trên beIn Sports, Vidic thừa nhận sau khi giải nghệ: "Torres là một cầu thủ hàng đầu. Hồi ấy, anh ta có lẽ là tiền đạo hay nhất Ngoại hạng Anh". Nhanh, khéo, không ngại chạy đuổi theo bóng, dứt điểm tốt và có bản năng đánh hơi bàn thắng, Torres giai đoạn 2008-2010 là một chân sút trong mơ với mọi CLB. Ngay mùa đầu tiên khoác áo Liverpool, Torres đã ghi 33 bàn sau 46 trận để lọt vào Đội hình tiêu biểu của mùa giải và xếp thứ ba trong cuộc bầu chọn Quả Bóng Vàng châu Âu, chỉ sau hai quái kiệt Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.

Sau một năm rưỡi, Torres đã lọt vào danh sách "50 cầu thủ Liverpool hay nhất lịch sử" do tờ The Times bình chọn. Trong giai đoạn này, Torres còn là người hùng với đất nước Tây Ban Nha, khi ghi bàn duy nhất trong trận chung kết Euro 2008 với Đức, mang về danh hiệu châu lục thứ hai mà xứ sở bò tót đã trông đợi suốt 44 năm. Tại World Cup 2010 mà Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch thế giới, Torres cũng là một thành viên dù không đóng góp được nhiều do chấn thương đầu gối gặp phải tháng 4/2010.

Nhưng Torres từ năm 2011 trở đi chỉ còn là cái bóng mờ so với chính sự xuất sắc của anh trước đó. 81 bàn sau 142 trận cho Liverpool khiến Torres được CĐV Chelsea đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng sau khi chuyển tới Chelsea trong tháng 1/2011, Torres phải mất 903 phút để có bàn thắng đầu tiên. Đó cũng là bàn thắng duy nhất của anh sau 18 trận ra sân cùng The Blues trong mùa giải 2010-2011.

Những tưởng Torres chưa kịp bắt nhịp với đội bóng mới và mùa hè 2011 sẽ cho anh quãng thời gian cần thiết để hòa nhập, nhưng thực tế thì chưa khi nào anh thể hiện được phẩm chất siêu sao như thời còn phụng sự Liverpool. Không còn những pha nước rút thần tốc, những cú dứt điểm lạnh lùng ở Torres. Trái lại, anh thậm chí còn trở thành một trò cười trên internet với sự vô duyên đến khó tin trước khung thành. Đỉnh điểm là trong trận thua 1-3 của Chelsea trước Man Utd, khi Torres thực hiện pha đảo chân hoàn hảo để vượt qua thủ thành David De Gea ở phút 83. Khi đã đối mặt với khung thành bỏ trống, Torres lại... dứt điểm ra ngoài.

Cúi đầu sau pha hỏng ăn trước cầu môn Man Utd bỏ trống là hình ảnh biểu tượng cho thất bại của Torres cùng Chelsea. Ảnh: IHN.

Hình ảnh Torres gục mặt xuống sân trong sự vui mừng của CĐV Manchester dường như đã lấy đi hết sự tự tin của cầu thủ sinh năm 1984. Trong suốt nhiều năm sau đó, đã có không ít lần người hâm mộ kỳ vọng Torres đích thực sẽ trở lại sau một vài trận anh tỏa sáng. Nhưng hóa ra đó lại chỉ là những ánh sáng le lói, dù là trong màu áo Chelsea, AC Milan, Atletico Madrid hay Sagan Tosu. Torres được nhắc nhiều tới bởi những khoảnh khắc, như cách anh vượt qua Valdes ghi bàn ở phút bù giờ trận bán kết Champions League 2011-12 để kết liễu đối thủ xứ Catalan, hơn là sự ổn định của một cỗ máy ghi bàn.

Ngoại trừ mùa giải 2012-13 mà Torres ghi 22 bàn qua 64 trận, số bàn thắng trong một mùa giải của Torres từ năm 2011 tới lúc giải nghệ chưa lúc nào vượt quá con số 12!

Sự tri ân hoàn hảo

Torres và Andres Iniesta có một mối lương duyên kỳ lạ trong suốt sự nghiệp. Họ gặp nhau lần đầu khi đội U15 của Tây Ban Nha tập trung và cùng ra mắt trong trận đấu tại Villafranca de los Barros. Từ đó về sau, hai cầu thủ nhí này dần vươn lên các lứa đội tuyển U của Tây Ban Nha. Tại giải đấu Euro dành cho lứa U16, Iniesta bị chấn thương ngay từ vòng bảng. Khi đánh bại U16 Pháp trong trận chung kết, Torres đã dành tặng bàn thắng cho người đồng đội.

Trong cuốn sách "The Artist: Being Iniesta", Torres hồi tưởng lại một ký ức đặc biệt vào năm 2001, khi U17 Tây Ban Nha tới Trinidad & Tobago dự World Cup U17. Với một lứa cầu thủ trẻ xuất chúng, U17 Tây Ban Nha được kỳ vọng sẽ lên ngôi vô địch, song họ bất ngờ bị loại ngay từ vòng bảng.

Trên chuyến bay trở về từ châu Phi, Torres và Iniesta đã viết cho nhau một bức thư liệt kê đủ những điều tệ hại trong chiến dịch U17, từ phương thức tập luyện, di chuyển cho tới cả điều kiện ăn ở tồi tệ. Khi tạm biệt nhau tại sân bay Barajas, hai cầu thủ trẻ đã trao đổi áo cho nhau. Trên chiếc áo tặng cho Iniesta, Torres đề tặng: "Một ngày nào đó, hai chúng ta sẽ giành chức vô địch World Cup cùng nhau".

Chín năm sau, giấc mơ của những cậu thiếu niên đã trở thành hiện thực trên đất Nam Phi, với Iniesta ghi bàn duy nhất hạ gục Hà Lan trong một pha bóng xuất phát từ đường chuyền của chính Torres. Như sự sắp đặt của định mệnh, cả hai cùng giã từ La Liga trong năm 2018 và chuyển tới J-League của Nhật Bản để chơi những năm tháng cuối sự nghiệp. Và trong trận đấu chia tay sự nghiệp Torres, đối thủ của anh chính là Vissel Kobe mà Iniesta và người đồng đội cũ David Villa đang khoác áo.

Vòng tròn sự nghiệp của Torres được khép lại với màn tao ngộ đầy cảm xúc với Iniesta. Lá thư tri ân người bạn của Iniesta cũng chính là nỗi lòng của rất nhiều người:

"Thật là một hành trình tuyệt vời, và cũng rất kỳ lạ.

Đừng nói không với tớ, Fernando ạ. Hành trình này lạ theo một cách tuyệt đẹp. Cả hai chúng ta đang ở đây, cách nhà cả nửa vòng trái đất cứ như thể Định mệnh đã đưa chúng ta tới Nhật Bản để nói lời tạm biệt.

Định mệnh đã đưa Torres và Iniesta đi chung trên nhiều nẻo đường bóng đá. Ảnh: EFE.

Bóng đá đã đem chúng ta xích lại gần nhau hơn 20 năm trước, khi còn là những đứa trẻ. Cậu sẽ luôn là El Nino. Và bóng đá sẽ không bao giờ chia cắt chúng ta. Hai ta đã gặp nhau khi cùng mang trong mình những giấc mơ không tưởng. Tớ sẽ không bao giờ quên bàn thắng mà cậu đã ghi được để đem về chức vô địch U16 Euro tại Anh và màn ăn mừng cậu dành cho tớ. Tớ xem trận đấu đó qua màn hình TV vì phải về nhà sớm do chấn thương.

Cậu còn nhớ chiếc áo được ký ở Trinidad & Tobago với một lời hứa dường như không thể thực hiện được không Fernando? Nhưng chúng ta đã làm điều đó. Và kể từ đó, luôn bên nhau, từ Vienna cho tới Johannesburg... Và cho đến giây phút cuối cùng, tình bạn vẫn xếp qua sự khác biệt giữa màu áo và câu lạc bộ. Chúng ta sống ở các thành phố khác nhau. Cậu sống ở Madrid còn tớ thì ở Barcelona. Nhưng chúng ta chưa bao giờ là kẻ thù. Chỉ là những người bạn mặc một chiếc áo khác, hay khi khoác chung màu áo đỏ của đội tuyển.

Bởi vì tình bạn của chúng ta, mặc dù nhiều người không biết điều đó, có từ rất lâu rồi. Kể cả ngày cậu chuyển Ngoại hạng Anh, nơi họ phát hiện ra tài năng của một El Nino độc nhất vô nhị, đầu tiên là ở Liverpool và sau đó là ở Chelsea. Khi cậu trở về Nhà, đến Atlético, tôi đã cảm động như mọi người vì bóng đá – vượt qua những thành công hay thất bại trong thể thao - là một cách hiểu về cuộc sống. Và cậu – Fernando - đã làm rạng danh môn thể thao này. Môn thể thao của chúng ta. Tớ không nói về những bàn thắng mà cậu đã ghi bởi tớ không thể đếm nổi từ nhiều năm trước rồi, hay những danh hiệu mà cậu đã giành được xuyên suốt sự nghiệp.

Tớ muốn nói về hành động, sự tôn trọng mà cậu dành cho bóng đá, cho đồng đội, cho đối thủ và dĩ nhiên là cả trái bóng nữa. Tình bạn của chúng ta được thành hình từ những sân cỏ vô danh không có ánh đèn camera, với hàng ngàn kỷ niệm trước khi cùng mang chức vô địch World Cup về cho quê hương. Khi chúng ta gặp lại ở Tây Ban Nha, tớ sẽ cho cậu xem chiếc áo đó – một kỷ vật đắt giá mà không ai phát hiện ra. Nhưng tình bạn giữa chúng ta mới thực sự là thứ vô giá.

Đó là một hành trình tuyệt vời đã đưa chúng ta đến khắp mọi miền trên thế giới. Và nhìn xem chúng ta đang ở đâu hôm nay. Ở Tosu, hai chúng ta chơi một trận bóng đá. Một lần nữa. Nhưng nó đâu chỉ là một trận bóng đơn thuần, mà còn là trận đấu cuối cùng của cậu. Cậu sẽ phải đối mặt với David Villa và tớ. Sau đó, cậu sẽ về nhà với vòng tay chào đón của người thân. Nhưng trái bóng ngày hôm nay sẽ buồn hơn hôm qua.

Hãy tận hưởng mọi thứ và hạnh phúc nhé. Nhưng thật kỳ lạ Fernando ạ.

Cậu vẫn chưa nói lời giã biệt, nhưng tớ đã thấy nhớ cậu rồi".

Khả năng trên sân cỏ của Torres, chúng ta đều đã biết. Nhưng ở ngoài sân cỏ, anh hẳn cũng phải là một nhân cách lớn. Phải sống như thế nào mới có thể nhận được những lời tri ân tuyệt vời đến vậy, từ một trong những tiền vệ hay nhất trong lịch sử.

Thịnh Joey