Đội thi từ quận 12 và quận 7 bắt đầu phần thi với ba câu hỏi: "Nếu các phép tính biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta, điều gì sẽ xảy ra?"; "Tại sao các siêu thị có thể giảm giá đến 50% mà vẫn không lỗ?" và "Làm sao con người có thể tính được khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng?".
Các em đã thuyết phục người xem bằng cách lật ngược vấn đề và đặt ra những câu hỏi thực tế về tầm quan trọng của các phép toán cộng trừ nhân chia trong cuộc sống, công việc, chi tiêu...
Ban giám khảo cuộc thi đánh giá 19 bài dự thi có cách thức thể hiện sáng tạo để giải quyết đề bài do ban tổ chức đặt ra. Với những đề toán mang tính gợi mở và bám sát kiến thức từng khối lớp, các em được thể hiện khả năng sáng tạo, sự tự tin và tài năng tại sân chơi Đấu trường toán học năm nay.
Top 19 phát hiện toán học hiện hữu trong rất nhiều lĩnh vực, từ những hoạt động đời thường như tính gói mua hàng online ra sao để được miễn phí vận chuyển, chi tiêu thế nào cho hợp lý, nấu ăn cho gia đình... đến thông điệp kinh doanh cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm thay vì chỉ có lợi nhuận, hay ứng dụng của Toán trong âm nhạc.
Ngoài ra, các em thể hiện sự sáng tạo vượt trội khi đưa người xem ghé thăm từng địa danh của TP HCM như Bến Bạch Đằng, Chợ Bến Thành, Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh... Trong đó, đội thi từ huyện Hóc Môn, quận 8 và TP Thủ Đức đã rất đầu tư ở những cảnh quay thực tế, tạo những hiệu ứng đồ họa vui nhộn.
Thông qua bài thi, học sinh tiểu học TP HCM đã lan tỏa được tình yêu dành cho Toán học, truyền đi những thông điệp giàu nhân văn về tình đoàn kết khi ví các phép tính như anh em một nhà. Sự đầu tư về ý tưởng và nội dung, những cảnh quay và hiệu ứng đẹp mắt, kỹ năng thuyết trình và tinh thần đồng đội của các em... đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ban tổ chức, giám khảo, phụ huynh và cả người xem.
Diễn ra từ tháng 11/2021, Đấu trường toán học VioEdu TP HCM năm học 2021-2022 thu hút hơn 200.000 học sinh tranh tài. Trải qua 12 vòng thi đấu trường, cuộc thi đã tìm ra 95 học sinh đứng đầu mỗi khối lớp, đại diện cho 19 quận huyện và thành phố Thủ Đức để bước vào phần thi Thuyết trình trực tuyến.
Từ ngày 6/5 đến 10/5, ban tổ chức đã đăng tải 19 bài dự thi trên fanpage để khán giả bình chọn, tìm ra 8 bài dự thi có điểm tương tác (Thích, Chia sẻ, Bình luận) cao nhất để ban giám khảo là những thầy cô đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và TP HCM chấm điểm. Ngày 24/5, ban tổ chức sẽ công chiếu phần đánh giá, cho điểm từ ban giám khảo, đồng thời, tìm ra chủ nhân các giải thưởng chung cuộc.
Đấu trường toán học là sân chơi do Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu khởi xướng trên phạm vi toàn quốc. Từ năm học 2020 - 2021, với sự đồng hành triển khai của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, phụ huynh và giáo viên khi giúp các em học sinh ứng dụng công nghệ số trong học tập và chủ động củng cố kiến thức.
Với format mới triển khai từ mùa hè năm 2021, Đấu trường toán học VioEdu đã đưa thêm phần Thuyết trình trực tuyến vào vòng Chung kết. Thay vì chỉ có các vòng giải toán độc lập thuần túy thử thách năng lực cá nhân, học sinh được ghép nhóm, giải các bài toán do chương trình đưa ra và trình bày dưới dạng video.
Ông Bùi Mạnh Tùng, Thạc sĩ Toán học - Tổ trưởng tổ Toán - Tin trường THCS Trưng Vương, Ủy viên Hội đồng bộ môn Toán, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, về năng lực toán học, học sinh Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào nhưng chưa mạnh ở phần ứng dụng toán học. Thông qua những sân chơi như Đấu trường toán học, các em sẽ được thực hành, trải nghiệm, hiểu mối liên hệ hai chiều cũng như vai trò của toán học và cuộc sống.
Bên cạnh đó, học sinh còn có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, thể hiện tinh thần đồng đội; giao lưu học hỏi với các bạn cùng sở thích. Từ đó, các thí sinh có thể tự tin hơn trong các hoạt động học tập trên lớp.
Thiên Minh