Từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc để tuyển sinh lớp 10, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư (được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân và Địa lý).
Điểm xét tuyển được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm bài thứ tư + Điểm ưu tiên.
Tuy nhiên, do tác động của Covid-19, trong hai năm 2020 và 2022, học sinh Hà Nội phải ở nhà, học trực tuyến trong thời gian dài, thành phố quyết định giảm bài thi thứ tư. Kỳ thi vào lớp 10 THPT chỉ còn ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Khi đó, điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.
Như vậy, trong bốn năm thực hiện kế hoạch mới để tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội mới tổ chức thi môn thứ tư được hai lần (năm 2019 và 2021). Môn được chọn đều là Lịch sử.
Dưới đây là top 10 trường THPT công lập không chuyên, lấy điểm chuẩn cao nhất trong ba năm qua:
Nhìn chung, những "gương mặt" trong top 10 qua các năm không có nhiều biến động. Trường THPT Chu Văn An nhiều năm dẫn đầu trong hơn 100 trường THPT công lập không chuyên ở Hà Nội về chất lượng học sinh đầu vào. Tính riêng trong ba năm 2019-2021, Chu Văn An đều giữ vị trí số một về điểm chuẩn.
Dù thi ba hay bốn môn, học sinh phải đạt tối thiểu 8,13 mỗi môn - mức điểm giỏi - mới có cơ hội trúng tuyển. Trong năm 2019, Chu Văn An cũng là trường duy nhất ở Hà Nội có điểm trung bình môn từ 8 trở lên.
Hai trường THPT Kim Liên, Yên Hòa thường hoán đổi vị trí thứ hai và ba cho nhau, nhưng Kim Liên có sự ổn định hơn. Năm 2019, trường này lấy điểm chuẩn 46,25 (trung bình 7,71 điểm mỗi môn) và đứng thứ ba, còn hai năm trở lại đây đều đứng thứ hai, chỉ xếp sau Chu Văn An.
Với Yên Hòa, năm 2019 trường xếp thứ hai, 2020 giảm xuống vị trí thứ năm, sau đó lấy lại vị trí trong top 3 ở năm 2021. Dù thứ hạng thay đổi, điểm trung bình mỗi môn của trường Yên Hòa tăng đều qua từng năm, từ 7,75 lên 8,33.
Bên cạnh đó, trường THPT Phan Đình Phùng cũng là "thành viên thường trực" của top 5. Hai năm 2019 và 2020, trường đều giữ vị trí thứ ba, đến năm 2021 giảm hai bậc. Tuy nhiên, điểm chuẩn trung bình môn của "trường Phan" vẫn tăng từ 7,71 lên 8,18.
Ngoài những trường kể trên, bốn đơn vị khác cũng lọt vào danh sách 10 trường THPT công lập không chuyên lấy điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất Hà Nội trong ba năm liên tiếp, gồm Lê Quý Đôn - Hà Đông, Nguyễn Thị Minh Khai, Việt Đức, Nhân Chính.
Mặt khác, một số trường không phải năm nào cũng góp mặt trong top 10.
Năm 2019, hai trường THPT Nguyễn Gia Thiều và Thăng Long lần lượt lấy điểm chuẩn 41,75 và 40, kém trường đứng thứ 10 khá xa, từ 1,75 đến 3,5 điểm. Không vào top trong năm đầu Hà Nội thay đổi kế hoạch tuyển sinh nhưng sau đó, Thăng Long bật lên vị trí thứ ba (năm 2020), sau đó là thứ tám (2021). Nguyễn Gia Thiều lần lượt giữ hạng tám và bảy trong hai năm này.
Đây cũng là hai trường có điểm trung bình môn tăng mạnh nhất trong ba năm: từ 6,67 lên 8,04 (trường Thăng Long) và từ 6,96 lên 8,13 (trường Nguyễn Gia Thiều).
Trường THPT Cầu Giấy và THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa chỉ góp mặt trong top 10 năm 2019, lần lượt giữ vị trí thứ tám và 10, điểm trung bình môn 7,25-7,5. Hai năm sau đó, nhiều trường tăng mạnh điểm chuẩn, đa số đều đạt trung bình môn từ 8 trở lên. Trong khi đó, Cầu Giấy và Lê Quý Đông - Đống Đa tăng nhẹ, trung bình môn dao động 7,6-7,92 điểm nên không vào top 10.
Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội diễn ra với ba môn. Toán và Ngữ văn được thiết kế theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút mỗi môn. Ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong 60 phút với nhiều mã đề. Dự kiến, kỳ thi được tổ chức trong khoảng 10 đến 20/6.
Trong khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022, 104.000 em có cơ hội trúng tuyển THPT trong kỳ tuyển sinh năm nay, bởi trường công lập có chỉ tiêu 77.000, tư thục 27.000. Khoảng 25.000 em còn lại sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Thanh Hằng