Điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố ngày 11/7 có mặt bằng chung tăng so với năm 2020 (năm 2021 thành phố không tổ chức thi tuyển do ảnh hưởng của Covid-19).
Năm 2020, điểm xét tuyển được tính theo thang 50 khi môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng với điểm Tiếng Anh. Năm nay, điểm xét tuyển theo thang 30, là tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Do có sự khác nhau giữa cách tính, điểm chuẩn được quy về trung bình môn để so sánh mức chênh lệch. Trong 108 trường, 65 trường (khoảng 60%) có điểm trung bình môn tăng 0,01-0,7; 38 trường (khoảng 35%) giảm 0,02-1,22; 5 trường không đổi.
Kết quả trên tương đồng với dự đoán của nhiều chuyên gia, giáo viên trước đó về điểm chuẩn năm học 2022-2023: trường top đầu có thể tăng nhẹ, top giữa không tăng và top cuối tăng hơn một chút so với 2020.
Trường có điểm chuẩn theo trung bình môn tăng mạnh nhất là THPT Nam Sài Gòn (0,7 điểm); kế tiếp là Long Thới (0,6), Củ Chi (0,5) và Nguyễn Hữu Huân (0,4)... Cùng xếp vị trí thứ 10 là bốn trường THPT Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa và Tân Phong - tăng 0,3 điểm.
Trong nhóm trường có điểm chuẩn tăng mạnh nhất nêu trên, THPT Nguyễn Hữu Huân là trường duy nhất nằm trong top 10 điểm chuẩn cao nhất năm nay. Đây cũng là ngôi trường bứt phá mạnh nhất về thứ hạng điểm chuẩn.
Hàng năm, điểm trúng tuyển THPT Nguyễn Hữu Huân thường đứng sau các trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP HCM, Phú Nhuận. Năm nay, trường vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau THPT Nguyễn Thượng Hiền với mức 23,25.
Theo lý giải của nhiều giáo viên, điểm chuẩn trường này tăng mạnh có tác động từ việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức. Trước đây, học sinh giỏi ba quận này, nhất là quận 2 và 9 có xu hướng chọn các trường THPT top đầu ở trung tâm thành phố.
Khi các quận được sáp nhập, học sinh có xu hướng chọn trường ở vị trí trung tâm TP Thủ Đức mà lựa chọn phổ biến nhất là THPT Nguyễn Hữu Huân. Điều này khiến tỷ lệ chọi của trường cao nhất năm nay với 1 chọi 3,2.
Nhóm điểm chuẩn tăng mạnh ghi nhận nhiều trường ở ngoại thành, vùng xa như THPT Long Thới, Củ Chi, Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa. Đầu vào những trường này thuộc nhóm thấp nhất năm nay với 10,5-15 điểm.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, cho rằng đề thi năm nay vừa sức, là yếu tố giúp tăng tính cạnh tranh cho học sinh ở ngoại thành. Nhiều trường ngoại thành cũng được tăng chỉ tiêu để cân đối với số học sinh trên địa bàn, do đó thu hút nhiều thí sinh hơn. "Điểm chuẩn ở ngoại thành tăng một phần do chất lượng giáo dục ở khu vực này từng bước được cải thiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh", ông Phú nói.
Năm nay, TP HCM có hơn 108.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 92.000 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10. Tổng chỉ tiêu 108 trường THPT công lập là gần 73.000 (gần 68% so với số học sinh tốt nghiệp và gần 80% so với số học sinh đăng ký thi tuyển).
Khoảng 15.000 học sinh không dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập và 20.000 thí sinh không đỗ vào lớp 10 công lập sẽ tiếp tục học tại trường tư thục, giáo dục thường xuyên hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề.