Trong danh sách 10 địa phương có nhiều điểm giỏi môn Ngoại ngữ nhất (từ 8 trở lên), Hà Nội đứng đầu với hơn 5.840, bằng 8,47% tổng số thí sinh thủ đô dự thi môn này. Thành phố có 33 điểm 10 và chỉ 2 điểm 0.
Tuy nhiên, nếu tính từ điểm 3 trở xuống, số thí sinh Hà Nội ở ngưỡng này lại cao nhất cả nước với hơn 20.830, chiếm 30,21% tổng số dự thi.
Phổ điểm thi Ngoại ngữ (gồm các tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc) của Hà Nội cũng biểu thị dải điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 2-4, trong đó điểm 3 chiếm nhiều nhất là 7.720.
TP HCM dẫn đầu cả nước về điểm trung bình Ngoại ngữ với 5,06 và là địa phương duy nhất có điểm trung bình môn này trên 5, song nếu xét số điểm từ 8 trở lên thì chỉ đứng thứ hai, sau Hà Nội. Tổng số thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ của thành phố là 69.750, trong đó có 5.450 em đạt điểm giỏi, chiếm 7,8%.
TP HCM có 20 điểm 10 Ngoại ngữ và có tới 431 điểm 0. Số có điểm từ 3 trở xuống của TP HCM cũng cao, đứng thứ tư cả nước. Phổ điểm môn này của thành phố do đó nghiêng về phía dưới 5 với đỉnh là 4.
Danh sách top 10 tỉnh thành có nhiều điểm giỏi môn Ngoại ngữ cũng có tên của những vùng đất học như Nam Định (491 thí sinh), Nghệ An (423).
Trong top địa phương có nhiều điểm từ 3 trở xuống môn Ngoại ngữ, Thanh Hóa đứng thứ hai với 16.280, chiếm 52,23% tổng số thí sinh dự thi. Phổ điểm của tỉnh là 2-3,25, không có điểm tuyệt đối nào và 110 em bị điểm 0.
Đất học Nghệ An đứng thứ ba danh sách có nhiều điểm từ 3 trở xuống môn Ngoại ngữ, với 14.410 thí sinh, chiếm 49,88% tổng số dự thi môn này. Phổ điểm của địa phương ở mức 2-3,25 với đỉnh là điểm 3. Nghệ An có một điểm 10 Ngoại ngữ và không bị điểm 0 nào.
Top tỉnh thành có nhiều điểm kém Ngoại ngữ vắng bóng địa phương miền núi, nơi vốn được cho là khó khăn trong việc dạy học, đặc biệt là môn Ngoại ngữ.
Năm 2018 cả nước có 81.4770 thí sinh dự thi môn tiếng Anh (chiếm hơn 90% thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ), trong đó 78,22% đạt điểm dưới trung bình. Đây là môn có điểm trung bình chung thấp thứ hai (sau Lịch sử 3,79) trong 9 môn thi THPT quốc gia với mức 3,91. Năm trước, con số này là 4,6. "Nhìn trong phạm vi cả nước, ta thấy sự chuyển biến về kết quả thi môn Ngoại ngữ chưa rõ nét. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ, những thành phố, thị xã có điều kiện học ngoại ngữ tốt, kết quả của thí sinh đã cao và sự cải tiến chất lượng rõ rệt. Những vùng còn khó khăn, sự chuyển biến về Ngoại ngữ còn ít", Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh nói. |