Trong hơn 870.000 thí sinh thi THPT quốc gia 2019, số chọn bài tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học là hơn 561.000, số chọn bài Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) là 330.000.
Điểm thi môn xã hội hai năm nay cho thấy ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình cao vượt trội. Ba địa phương này vốn được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh.
Hà Nam dẫn đầu môn Sử
Tăng một bậc so với năm 2018, Hà Nam dẫn đầu cả nước điểm trung bình môn Sử với 4,899. Với hơn 5.700 thí sinh thi Sử, tỉnh có 249 em đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên), trong đó một em giành điểm tuyệt đối.
Tăng ba bậc so với năm ngoái, Ninh Bình đứng thứ nhì điểm trung bình môn Sử với 4,867. Trong 5.800 bài thi môn này, tỉnh có 268 điểm giỏi, trong đó hai em đạt điểm tuyệt đối.
Giữ nguyên vị trí thứ ba, An Giang với gần 8.900 thí sinh thi Sử có điểm trung bình 4,838, số điểm giỏi là 337.
Top 10 địa phương có điểm trung bình môn Sử cao nhất còn có Nam Định (xếp thứ tư, tăng năm bậc); Bạc Liêu (xếp thứ năm, tụt bốn bậc); Vĩnh Phúc (xếp thứ sáu, tụt hai bậc) và hai tỉnh mới Bình Dương, Lâm Đồng.
Ở top 10 tỉnh thành điểm trung bình Sử thấp nhất, Sơn La xếp thứ 63 với 3,612 điểm. Trong hơn 9.500 thí sinh dự thi môn này, tỉnh có 118 em đạt điểm giỏi và 20 em bị điểm liệt. Con số điểm liệt này khá cao so với nhiều tỉnh thành khác (phổ biến 3-8 thí sinh).
Cùng mức điểm trung bình Sử thấp với ngưỡng dưới 4 còn có: Hà Giang (hạng 62, tăng một bậc so với năm 2018), Hòa Bình (hạng 61, giữ nguyên), Đà Nẵng (hạng 60, tăng hai bậc). Top 10 thấp nhất môn Sử năm nay có thêm các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Yên.
Hà Nam tiếp tục dẫn đầu môn Địa
Là môn học tương đối nhẹ nhàng với nhiều thí sinh, Địa lý có mặt bằng điểm tốt so với nhiều môn thi khác, điểm trung bình là 6. Hà Nam đứng đầu với điểm trung bình môn Địa lý 6,486 - cao hơn gần nửa điểm so với mức trung bình cả nước. So với năm ngoái, thứ hạng của tỉnh tăng một bậc.
Sở dĩ có vị trí này bởi với hơn 5.500 thí sinh thi Địa, Hà Nam có 677 bài điểm giỏi, một em đạt điểm tuyệt đối và chỉ một em bị điểm liệt. Số lượng điểm giỏi của tỉnh gấp 2-3 lần so với các tỉnh có số thí sinh thi Địa tương đương.
Nhiều năm liền có thứ hạng cao môn Địa lý, An Giang xếp thứ hai với mức trung bình 6,444. Trong hơn 6.400 thí sinh dự thi môn này, có 800 em đạt điểm giỏi, không em nào đạt 10.
Danh sách top 10 môn Địa tiếp tục có tên Ninh Bình (xếp thứ ba, tụt hai bậc), Vĩnh Phúc (xếp thứ sáu, tụt ba bậc); Lâm Đồng (xếp thứ chín, tụt một bậc); Bạc Liêu (xếp thứ tám, tụt hai bậc).
Trong 10 tỉnh thành có điểm trung bình Địa lý thấp nhất cả nước, Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình tiếp tục đứng đầu. Với hơn 9.300 thí sinh dự thi, Sơn La có 182 em đạt điểm giỏi, số điểm liệt là 11.
Hà Giang với hơn 4.600 thí sinh dự thi có 112 điểm giỏi, 2 điểm liệt; Hòa Bình với hơn 7.600 thí sinh có 322 điểm giỏi.
Một số tỉnh khác tiếp tục xuất hiện trong top 10 thấp nhất năm nay là Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Ninh Thuận.
Ninh Bình dẫn đầu môn Giáo dục công dân
Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia - 7,37. Chỉ 11 thí sinh bị điểm liệt môn này, trong khi số thí sinh đạt điểm 10 là 784.
Nếu như năm ngoái, top 10 có điểm trung bình dao động 7,5-7,8 thì năm nay cao hơn với mức 7,8-8. Chỉ gần 5.000 thí sinh dự thi nhưng Ninh Bình có trên 3.100 em đạt điểm giỏi, 34 em giành điểm tuyệt đối, không ai bị điểm liệt.
Kế tiếp là Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Bình Dương với mức điểm trung bình trên 8. Đây cũng là các địa phương xếp thứ hạng cao môn Giáo dục công dân năm 2018.
Nửa sau của top 10 là các tỉnh thành có điểm trung bình dao động 7,8 đến dưới 8 gồm Phú Thọ, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bạc Liêu. Các tỉnh này đều có đặc điểm chung là số thí sinh đạt điểm giỏi chiếm một nửa tổng số thí sinh dự thi.
Ở top 10 tỉnh điểm Giáo dục công dân thấp nhất, Sơn La giữ nguyên vị trí cuối cùng như năm ngoái với 6,17 điểm. Với hơn 8.000 thí sinh, chỉ 1.052 em đạt điểm giỏi, một em bị điểm liệt.
Hai vị trí áp chót tương tự năm ngoái, Hà Giang hạng 62 với hơn 4.100 dự thi, 712 điểm giỏi; Quảng Ngãi xếp hạng 61 với 6.800 bài thi, 1.207 điểm giỏi.
Các tỉnh còn lại trong top 10 điểm trung bình Giáo dục công dân thấp nhất là Phú Yên, Đăk Lăk, Quảng Nam...
Năm 2019, gần 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Để xét tốt nghiệp, thí sinh phải thi ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp Khoa học xã hội, hoặc Khoa học tự nhiên. Thí sinh cũng có thể thi cả hai bài, điểm bài thi nào cao hơn thì được lấy để xét tốt nghiệp. Trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Công thức tính điểm tốt nghiệp năm nay như sau: