Donna Bailey Nurse
Ngay cả với Morrison - nhà văn đoạt giải Nobel, người được coi là một trong những nhà văn Mỹ đương đại xuất sắc - việc viết về quá khứ của những người da đen cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Vài năm trước, bà từng chia sẻ thử thách khi viết Beloved ( Thương), cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer kể về một phụ nữ tên là Sethe đã tự tay giết con chứ không chịu để đứa bé trở lại với cuộc sống nô lệ. Nhiều năm sau, đứa bé bất hạnh trở về với Sethe trong hình hài một con ma đã trưởng thành với khao khát tình yêu thương vô hạn.
Nhà văn Toni Morrison. Ảnh: Reuters. |
"Với Beloved, tôi hướng độc giả chú ý đến câu chuyện ma và giúp họ hiểu chặng đường dài về chế độ nô lệ", nhà văn chia sẻ. A Mercy cũng là câu chuyện về những người nô lệ. Nhưng cuốn sách này lại là một khởi đầu mới của Morrison. Tác phẩm đi sâu vào quá khứ hơn những cuốn sách trước đây - lấy bối cảnh vào những năm 1600. Nhân vật trung tâm của cuốn sách là Florens - một cô gái sáng sủa, hay mơ mộng.
Thực tế, Beloved là cuốn sách thay đổi cách nhìn nhận của tôi về chế độ nô lệ. Tại trường trung học, những kiến thức về chế độ nô lệ chỉ chiếm một góc nhỏ trong sách giáo khoa. Học xong lớp 6, những gì tôi biết về người nô lệ chỉ vỏn vẹn: Họ là những công nhân hái bông trong các đồn điền ở Nam Mỹ, bị đối xử tàn tệ và không được trả công xứng đáng. Tôi cũng biết, một số nô lệ tìm cách trốn thoát đến Canada - nơi ở đó, cuối cùng họ cũng tìm thấy tự do. Số còn lại chỉ thực sự được giải phóng sau cuộc nội chiến.
"Beloved" đã được xuất bản tại Việt Nam. |
Theo ngày tháng, tôi dần dà tìm hiểu thêm về những số phận cay đắng này. Nhưng chỉ đến khi đọc Beloved, quá khứ kinh hoàng về chế độ nô lệ mới khiến tôi hoảng sợ. Ở đó có sự hãm hiếp tàn bạo, có những đứa trẻ khóc nấc lên bên những núm vú sưng phồng. Họ sống một cuộc sống chỉ ngang hàng với loài vật và chỉ kiếm đủ thức ăn để tồn tại qua cơn đói. Hàng trăm nghìn người đã nhảy xuống biển để gột sạch nhơ nhớp của những trò ác dâm. Hàng trăm nghìn người khác đã lao xuống nước tự vẫn. Sau khi đọc Beloved, tôi chắc chắn một điều: Tôi nằm ngoài những bi kịch kinh khủng đó.
Cảm giác vừa thương vừa ghét của tôi nhanh chóng được thay thế bằng sự tự hào vừa đâm chồi. Rất nhiều người trong số họ đã sống sót qua tấn kịch với một tâm hồn còn nguyên vẹn. Di sản của chế độ nô lệ chính là chủ đề đã chi phối sáng tác của Morrison. Bà sinh ra tại Lorain, Ohio năm 1931 trong một gia đình có gốc gác từ Georgia. Morrison thừa nhận, bà không mấy tự hào với sự sinh trưởng của mình. "Tôi được hưởng một nền giáo dục rất hạn chế. Đó cũng chính là mối quan tâm lớn trong lịch sử của người da đen", nhà văn tâm sự.
Trang bìa cuốn "A Mercy". |
Morrison bắt đầu viết văn vào giữa những năm 1960, sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Lúc đó, ban ngày, bà là biên tập viên NXB Random House ở Syracuse, New York, Mỹ; ban đêm là một bà mẹ - sau khi ẵm con lên giường ngủ - đã trở dậy lặng lẽ viết cuốn sách về một cô gái da đen ngày ngày mơ tưởng đến những đôi mắt xanh biếc. The Bluest Eye xuất bản năm 1970 và nhanh chóng nhận được những lời khen ngợi của giới phê bình. Người da đen, từ đó tiếp tục trở đi trở lại như một nguồn mạch trong sáng tác của Morrison cho đến nay.
Nhiều người cho rằng, cùng với chiến thắng của tân tổng thống Barack Obama, những câu chuyện về người da đen đang được lúc lên ngôi. Tôi sợ là tôi không thấy sự liên quan nào ở đây cả. Quá khứ về chế độ nô lệ luôn hiện hữu và cần được con người ngày nay thấu hiểu. Thời đoạn lịch sử này còn rất nhiều câu chuyện để kể cho chúng ta.
"Tôi từng nghĩ là mình đã rất hiểu về chế độ nô lệ. Nhưng cho đến khi viết Beloved, tôi vẫn không ngừng ngạc nhiên: ‘Cái gì? Họ đã làm cái gì chứ?’. Thật là kinh khủng. Và rồi bạn sẽ hiểu ra, tại sao bố mẹ, ông bà và mọi người xung quanh không nói cho bạn biết những điều đó. Vì họ sợ bạn sẽ không chịu nổi. Họ sợ, tôi đoán, những câu chuyện sẽ làm bạn đau đớn", nhà văn chia sẻ.
H.T. dịch
(Nguồn: CBC)