Chiều 25/6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%.
Theo bà Trà, đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất. Việc bổ sung 10% quỹ tiền thưởng giúp các cơ quan có thêm cơ chế khen thưởng; đồng thời có cơ sở hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, tính toán ban đầu về tổng tiền chi cho tăng lương theo Nghị quyết 27 là khoảng 786.000 tỷ đồng cho ba năm. Nhưng sau khi điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp, quỹ tiền thưởng lũy kế ba năm từ 2024 đến 2026, tổng số tiền tăng lên 913.000 tỷ đồng. "Như vậy là đã tăng thêm 127.000 tỷ đồng so với phương án ban đầu đã báo cáo Quốc hội", bà nói, cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá tăng 30% lương cơ sở là nỗ lực đáng ghi nhận trong điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện ổn định, lâu dài, có hiệu quả chính sách tiền lương. Các cơ quan cũng phải tăng cường kiểm soát, quản lý giá và kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới. Do nhu cầu kinh phí tăng thêm 913.000 tỷ đồng, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm tới và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương tới hết năm 2026.
"Phải quy định và hướng dẫn rõ về kinh phí, đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và phát sinh cho những năm tiếp theo sau 2026", bà Thúy Anh nói.
Liên quan quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có cơ sở triển khai. Người đứng đầu các cơ quan cũng phải xây dựng quy định về chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để tránh trùng lặp với Luật thi đua khen thưởng.
Thảo luận tại tổ sau đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng tình tăng lương cơ sở 1,8 lên 2,34 triệu đồng, song đề nghị Chính phủ, các bộ ngành lưu ý mức thu nhập của cán bộ, viên chức phải phù hợp điều kiện kinh tế và giá cả hàng hóa. "Mục tiêu là nâng cao đời sống. Nhưng không cẩn thận tỷ lệ tăng giá lại vượt tỷ lệ tăng lương, dẫn đến không cải thiện đời sống và tạo được động lực cho người lao động", ông Thắng nói.
Ông cũng băn khoăn việc bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, bởi theo quy định thưởng phải dựa trên kết quả công việc và cần được đánh giá. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ đưa ra tiêu chí cho rõ ràng, tránh tạo ra vấn đề xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ vì sao trong 5 năm qua không công bố mức sống tối thiểu hàng năm theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương. "Cho đến nay, chúng ta không có số liệu mức sống tối thiểu của Việt Nam phải là bao nhiêu nên chưa có cơ sở xác định được mức lương đảm bảo mức sống tối thiểu", ông Nhân nói.
Ông đề nghị Chính phủ làm rõ đề án nâng lương lần này có thực sự đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết trung ương là "cải cách tiền lương" xuất phát từ mức sống tối thiểu.
Nghị quyết 27/2018 của Trung ương đặt mục tiêu từ 1/7/2021 áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương phải lùi lại.
Quốc hội sau đó quyết định cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng, áp dụng từ 1/7/2024. Song quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh, các cơ quan phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên mức lương cơ sở và hệ số lương chưa thể bãi bỏ. Thay vào đó Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng.