Bão Damrey có sức gió 130 km/h tiến vào bờ
Được dự báo 4h ngày 4/11 mới vào các tỉnh Nam Trung bộ, song Damrey (bão số 12) đã gây mưa rất lớn ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... trước đó sáu tiếng. Nó được cho là "cơn bão đặc biệt" vì sức gió đã mạnh lên hai cấp (từ 10 lên 12, 130 km/h) khi vào gần bờ do kết hợp với khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống.
Cây cối trên các con đường trung tâm Nha Trang (Khánh Hòa) ngã rạp, sóng biển cao gần 4 m - nhất là phía Quảng trường 2 Tháng 4. Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã phát lệnh cấm người dân ra đường từ đêm qua.
"Gió gầm rú, mưa to, điện bị cúp, cả đêm chúng tôi không dám ngủ. Khu phố của tôi lại nằm trong vùng dự báo gió cấp 12, giật cấp 15, không biết bão vào có trụ được không", chị Trang (25 tuổi) cho biết.
Trong khi đó TP Tuy Hòa, Phú Yên mưa mịt mùng. Sóng cao gần 5 m cuồn cuộn ập vào bờ, tung bọt trắng xóa; hàng dương liễu bị gió cuốn nghiêng ngả. Nhiều căn nhà phát ra tiếng rung bần bật, mái tôn va vào nhau chát chúa. Một số khu vực bị cúp điện.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thời điềm này nhận định: "Cấp độ rủi ro thiên tai bão ở Phú Yên, Khánh Hòa được nâng lên cấp 4 - chỉ sau mức thảm họa".
Hàng loạt nhà sập, tốc mái, cây ngã rạp.
4h, tại nhà văn hóa rộng 300 m2 ở cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang có khoảng 150 người được về trú bão từ chiều. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Nhiều trẻ nhỏ ôm chặt mẹ cuộn tròn ngủ trong chăn trong khi nhiều người khác ngồi ngóng bão. Chính quyền hỗ trợ mì tôm và nước nóng để dân lót dạ đêm khuya.
Bên ngoài, mưa càng thêm nặng hạt, gió rít từng đợt kéo dài. Trên các tuyến đường tại Hòn Rớ, cây xanh, bảng hiệu ngã đổ la liệt, nhiều nhà tôn tốc mái.
5h, tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ với gió mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
"Chưa bao giờ tôi chứng kiến trận bão nào gió lớn như vậy từ sau cơn bão năm 1993. Xã tôi ở và các khu lân cận đã cúp điện, mọi thứ chìm trong bóng tối, ngoài đường không một bóng người. Kiểu này tâm bão quét qua thì mọi thứ đổ gục mất", anh Hội ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết.
Ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa (Phú Yên) gia đình năm người nhà anh Bảo (35 tuổi) không dám ngủ vì lo bão đến. "Gió giật mạnh kinh khủng. Nhiều nhà cấp bốn hàng xóm của tôi, mái ngói tốc luôn rồi. Ngồi trong nhà mà đội nói bảo hiểm vì sợ ngói rơi lên đầu", anh Bảo lo lắng.
Tại huyện An Nhơn, Bình Định, ông Thanh (55 tuổi) cho biết nhiều nhà cấp bốn của họ đã bay ngói.
Còn tại Nha Trang (Khánh Hòa), hàng loạt cây bật gốc nằm la liệt, nhà hàng cách tháp Trầm Hương gần 100 m bị cây cổ thụ đè lên mái. Hàng loạt nhà tại xã Vạn Thọ tốc mái, hư hỏng.
6h, tâm bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền. Trên Quốc lộ 1 từ Cam Ranh về Nha Trang, gió giật dữ dội. Tôn nhà dân hai bên đường tốc mái bay khắp nơi. Hàng loạt cây xanh ngã chắn ngang đường bộ và sắt khiến nhiều xe khách, tàu Bắc - Nam phải dừng lại. Các trụ bơm của cây xăng bị gió quật ngã. Trời đã sáng, nhưng các nhà dân cửa vẫn đóng, không một bóng người.
Ở tỉnh Phú Yên, cây xanh gãy đổ, bật gốc la liệt kéo theo dây điện nằm la liệt trên đường. Tại xóm Rớ, khu vực có kè bị xói lở, nhiều nhà dân bị tốc mái.
7h, khu vực Nha Trang - Diên Khánh gió giật cực mạnh, nhiều xe máy đi đường bị quật ngã. "Tôi chạy xe từ Phú Yên vào thấy thật khủng khiếp, xe mái, cột điện, tôn nhà bay tung tóe. Cả đời chưa thấy cơn bão nào lớn thế này", một tài xế cho biết.
Trong khi đó khu vực bến xe phía Nam Khánh Hòa hành khách bỏ chạy tán loạn khi trần nhà bị sập, cửa kính bị gió giật vỡ. Hàng chục hành khách bị kẹt lại do không có xe nào dám rời khỏi bến.
8h, mưa càng lúc càng lớn, gió giật rất mạnh ở Khánh Hòa. Hàng chục ngôi nhà sập hoặc tốc mái, cây đổ la liệt... khiến gần chục người bị mắc kẹt. "Ảnh hưởng của bão rất lớn, nhà cửa tốc mái, cây cối đổ rất nhiều", Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn cho hay.
Công an Khánh Hòa giải cứu thành công 3 người đàn ông kẹt trong đống đổ nát tại dãy phòng trọ thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Các nạn nhân chỉ bị thương ở chân, còn tỉnh táo, hiện trường gạch vữa, mái tôn nằm ngổn ngang.
"Khoảng 5h30 chúng tôi ngồi trong nhà trọ nghe ngóng bão thì tiếng gió rít mạnh lướt qua khiến phòng trọ đổ sập, trời đất tối thui. Chúng tôi kẹt bên trong không thoát ra được", một nạn nhân kể.
Gió to đã làm đổ một bức tường, đè vào một cháu bé gây tử vong.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Phú Yên. Phó chủ tịch Trần Hữu Thế - cho biết, có vài trường hợp mất tích và hai người thiệt mạng, vài nghìn căn nhà bị tốc mái.
12h, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tuyến đường sắt đi qua Phú Yên đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của cơn bão Damrey.
"Cây cối ngã đổ, tôn chắn đường, nước ngập khiến nhiều chỗ tàu không chạy được nên phải nằm chờ rải rác ở các ga", ông Trung nói và cho biết nhân viên ngành đường sắt đang đi kiểm tra, đoạn nào không gặp trở ngại thì tàu sẽ chạy trở lại.
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Đăk Lăk - Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt 100 km/h (cấp 10), giật cấp 12.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22h, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh 50 km/h.
11 người chết, nhiều người mất tích
Trực tiếp chỉ đạo đối phó bão Damrey ở huyện Vạn Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Bắc cho biết: "Thiệt hại vật chất chưa thể thống kê, song riêng huyện Vạn Ninh đã có 3 người chết, 5 người bị thương; hàng chục nghìn ngôi nhà và hầu hết trường học bị tốc mái, cây gãy đổ khắp nơi. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất".
Thị xã Ninh Hòa xác nhận có 2 người tử vong do sập nhà, 2 người mất tích. Trước đó, cháu bé ở Nha Trang và một người khác Cam Ranh cũng thiệt mạng vì bão.
Tỉnh Phú Yên ghi nhận 2 người tử vong và nhiều người mất tích vì bão. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang thị sát tỉnh này, sau khi làm việc ở Khánh Hòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, địa phương không phải là khu vực bão đi qua, song thiệt hại là rất lớn. "Hai người chết; 6 tàu bị chìm, trong đó đa số là tàu của tỉnh bạn vào Bình Định trú bão thì bị sóng đánh chìm, hiện đã cứu được 35 người...", ông nói.
Bất thường của bão Damrey
- Bão được cộng hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống khiến nó tăng cấp khi gần bờ, tăng thêm 2 cấp (từ cấp 10 lên cấp 12) trong 6 tiếng. Thậm chí khi vào đất liền, một số nơi có gió mạnh cấp 13.
- Bão mạnh và hoành hành trên đất liền quá lâu (đổ bộ từ 6h đến 14h vẫn còn trên khu vực Tây Nguyên), phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
- Khu vực bị ảnh hưởng tập trung nhiều dân cư, có số lượng phương tiện đánh bắt rất nhiều (Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa)…
- Nha Trang khoảng chục năm qua chưa có bão mạnh cấp 12. Người dân ở khu vực này vẫn còn tâm lý chủ quan, hoặc cho rằng bão khó có thể vào vì đã có vịnh che chắn nên không chủ động ứng phó bão.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), Damrey là một cơn mạnh và đặc biệt. Khi đi vào biển Đông, bão được tiếp thêm năng lượng nên mạnh thêm. Đồng thời, đây là cơn bão có tốc độ đi khá nhanh, trong khi thời gian suy yếu lại chậm, giảm cấp gió từ từ nên thời gian hoành hành trên đất liền nhiều hơn các cơn bão khác.
"Bão đang ở các tỉnh Tây Nguyên, sắp di chuyển sang Campuchia. Gió đã giảm xuống cấp 8 nhưng vẫn giật cấp 10. Trong vài ngày tới thời tiết các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xấu do hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh phía Bắc đang tràn xuống mạnh", bà Lan nói.
Nhóm phóng viên
Xem diễn biến chính