Bức thư ngày 25/4, kèm bản sao hai công văn do ông Hạnh ký với tư cách là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo VN, Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận gửi ông Phạm Sĩ Chiến, Phó viện trưởng VKSND Tối cao. Cùng với đó là hai bài báo đăng trên tờ Nhà báo & Công luận, mà theo thượng tá Bá, tất cả đều nhằm “can thiệp cho Năm Cam thoát khỏi trại cải tạo năm 1996”.
Công văn thứ nhất, số 333/HBN ngày 1/2/1996 của ông Hạnh ghi: “Hội Nhà báo VN nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp đề ngày 2/1/1996 của bà Phan Thị Trúc, thường trú tại 107/38 phường 6, quận 3, TP HCM, gửi Tổng thư ký Hội Nhà báo VN đề nghị can thiệp về việc chồng bà là Trương Văn Cam bị đưa tập trung cải tạo sai pháp luật”. Ông Hạnh đề nghị VKSND Tối cao phúc đáp để “xử lý thông tin về vụ việc trên tạp chí và tờ tuần báo của Hội Nhà báo VN”.
VKSND Tối cao đã có Công văn ngày 18/9/1996 do Phó viện trưởng Phạm Sĩ Chiến ký gửi Bộ Nội vụ, “kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam”. Ông Chiến viện dẫn đơn khiếu nại của bà Trúc cùng công văn đề nghị xem xét của ông Hạnh, đồng thời cho rằng: “Không có tài liệu nào phản ánh Trương Văn Cam đã bị xử lý, giáo dục (cả về hành chính và hình sự)”. Công văn nhắc Bộ Nội vụ rằng: “Những vi phạm trong việc quyết định tập trung giáo dục cải tạo với ông Trương Văn Cam như trên, VKSND Tối cao đã nhiều lần trao đổi trực tiếp bằng văn bản với Bộ Nội vụ nhưng không được khắc phục”.
Đến ngày 21/10/1996, trên tờ Nhà báo & Công luận có bài Về đơn khiếu nại của bà Phan Thị Trúc. Bài báo viện dẫn đơn trình bày của bà Trúc, theo đó “việc bắt giữ Trương Văn Cam đưa đi tập trung cải tạo; việc khám xét nhà ở, nơi kinh doanh và tịch thu toàn bộ giấy tờ nhà cửa, giấy phép kinh doanh đến nay vẫn không trả lại... đều là trái pháp luật, gây tổn thất lớn với đời sống kinh tế và tinh thần của gia đình bà”. Ngoài ra, bà Trúc còn tố cáo ông Nguyễn Hữu Ngọc, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Nội vụ) đã thu giữ một máy điện thoại di động và máy nhắn tin, đem sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho gia đình gần 20 triệu đồng.
Bài báo đưa ra những “nhận xét ban đầu”, trong đó khẳng định: “Chưa có tài liệu nào phản ánh Trương Văn Cam đã từng bị xử lý, giáo dục (cả về hành chính và hình sự), chưa một lần nào công an bắt quả tang, lập biên bản và xử lý với Trương Văn Cam về hành vi tổ chức đánh bạc cũng như hoạt động phạm pháp khác...”, và “việc bà Trúc tố cáo cán bộ Cục Cảnh sát hình sự thu giữ, chiếm đoạt điện thoại di động, sử dụng cá nhân là có căn cứ”.
‘Tôi đã đem chức Thủ tướng ra thế chấp để đảm bảo việc bắt giữ Năm Cam là đúng người, đúng tội’
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt kể lại như vậy trong buổi làm việc mới đây với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng, và Ban chuyên án Năm Cam. Đề cập việc bắt giữ Năm Cam năm 1995, ông Võ Văn Kiệt nói: “Hồi ấy tôi tán thành việc bắt Năm Cam. Lẽ ra phải điều tra đến nơi đến chốn để đưa Năm Cam ra xét xử, nhưng người ta lại thả y ra để y tiếp tục lao sâu vào con đường tội ác”.
Thời điểm đó, giữa các cơ quan tố tụng cấp cao có những quan điểm khác nhau. VKSND Tối cao khẳng định có vi phạm trong việc bắt Năm Cam tập trung cải tạo, đề nghị bãi bỏ quyết định tập trung cải tạo. Phía Bộ Nội vụ có các tài liệu khẳng định rằng Năm Cam lúc đó từng bị tòa án Sài Gòn cũ xử phạt 3 năm tù về tội “cố ý đả thương trí mạng". Sau giải phóng, là lính chế độ cũ nhưng Năm Cam lại trốn trình diện. Tiếp theo, y có 3 tiền sự: bị Công an quận 1 bắt về tội đánh bạc ngày 7/6/1978, bị Công an TP HCM bắt về tội tổ chức đánh bạc ngày 30/12/1980, và bị bắt lại cũng với tội tổ chức đánh bạc ngày 5/11/1982. Theo cơ quan điều tra, chỉ riêng sòng rolet tại quận 8 do Năm Cam cầm đầu, tiền xâu thu được mỗi tuần đã tới khoảng 1 tỷ đồng.
Bộ Nội vụ còn có chủ trương khởi tố "ông trùm", chứ không chỉ tập trung cải tạo. Còn việc ông Nguyễn Hữu Ngọc sử dụng máy di động thu giữ tại nhà Năm Cam, được giải thích là do yêu cầu hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục Cảnh sát đã thanh toán tiền đầy đủ cho gia đình Năm Cam.
(Theo Thanh Niên)