- Ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của các đại diện Đông Nam Á ở giải U23 châu Á năm nay?
- Trước tiên tôi xin chúc mừng Việt Nam đã đánh bại Australia. Đây là lần đầu tiên đại diện của khu vực chúng ta có được chiến thắng ở sân chơi U23 châu Á. Đội bóng của các bạn là niềm tự hào của khu vực. AFF mong đội tiếp tục thắng Syria, phất cao lá cờ Việt Nam tại giải đấu và mang về vinh dự cho khu vực.
Tại giải U23 châu Á năm nay, Đông Nam Á có ba đại diện. Ngay sau khi Việt Nam giành chiến thắng, Malaysia cũng đã tạo cú sốc khi giành vé vào tứ kết. Thái Lan dừng bước sớm, nhưng cũng có những trận đấu không tồi trước Triều Tiên hay Nhật Bản vốn là những đối thủ rất mạnh.
Trước đây, bóng đá Đông Nam Á không được đánh giá cao ở châu Á. Nhưng giải đấu này chúng ta đã làm cho các đối thủ có cái nhìn khác. Khoảng cách trình độ của chúng ta với các khu vực được thu hẹp.
- Với người Việt Nam, HC vàng SEA Games vẫn là một khát khao lớn. Khi còn làm Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Malaysia, ông đã có công lớn giúp bóng đá nước mình lên ngôi ở cả AFF Cup và SEA Games. Ông có thể hiến kế gì cho Việt Nam?
- Tôi cũng không hiểu vì sao Việt Nam lại chưa thể giành HC vàng SEA Games. Các bạn có mọi thứ, từ sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước, CĐV, truyền thông, các cầu thủ tài năng, HLV giỏi nhưng lại không thể lên ngôi. Bóng đá đôi khi kỳ quặc như vậy.
Khi tôi làm Tổng thư ký FAM, các đội bóng ở Malaysia rất tệ, họ không có đội trẻ. Chúng tôi đã buộc các đội phải làm đào tạo trẻ. Chúng tôi còn tập hợp các tài năng, lập đội đưa ra nước ngoài dự các giải League, như ở Slovakia hay Singapore. Các cầu thủ được thi đấu nhiều, trưởng thành, đó là nền tảng cho chức vô địch AFF Cup và HC vàng SEA Games mà Malaysia có được sau này. Nhưng thời gian sau mọi thứ đổ bể. Các đội bóng lại đòi cầu thủ trẻ, dù lấy quân về họ cũng chỉ đày ải trên băng ghế dự bị.
- AFF đánh giá thế nào về trình độ bóng đá Việt Nam so với các nước khác trong khu vực?
- Các bạn đừng nghĩ rằng không có HC vàng SEA Games là nền bóng đá Việt Nam thất bại. Chúng ta cần phải nhìn vào bức tranh tổng thể. Không phải ngẫu nhiên mà năm vừa qua chúng tôi đánh giá VFF là “Liên đoàn của năm”. Việt Nam đang đi rất đúng hướng khi tập trung đầu tư vào các cầu thủ trẻ. Các bạn có các đội U16, U19, U23 lọt vào vòng chung kết các giải châu Á. U20 Việt Nam cũng giành vé dự U20 FIFA World Cup.
Trong bóng đá, chỉ trích rất dễ, ở nước tôi cũng giống Việt Nam thôi. Quan trọng là các bạn phải kiên định với chiến lược đang làm.
Tôi từng được mời sang khai trương Trung tâm đào tạo trẻ PVF. Tôi vô cùng ấn tượng khi thấy cơ sở vật chất quá hiện đại. Và mấy ngày nay tôi ở khách sạn, nhìn xuống cũng thấy một trung tâm đào tạo, có nhiều sân bãi cho trẻ em tập bóng. Thực sự, cơ sở vật chất của Việt Nam quá tốt. Đây là cơ sở để các bạn phát triển bóng đá.
- AFF có chiến lược gì để phát triển bóng đá khu vực Đông Nam Á, tránh bị coi là “vùng trũng” của châu Á?
- AFF tổ chức đều đặn các giải trẻ từ U15, U19, U23... Điều này sẽ giúp các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát để phát triển.
Ở cấp độ đội tuyển, chúng tôi cũng thay đổi thể thức thi đấu AFF Cup để nâng cao chất lượng. Thay vì đá vòng bảng ở hai quốc gia, các đội sẽ đá sân nhà, sân khách. Điều này giúp người hâm mộ tới sân đông hơn, tránh cảnh những khán đài vắng hoe khi không có đội chủ nhà đá. Nó cũng giúp thương mại của giải đấu tốt hơn, các đội nhận được nguồn lợi lớn hơn. Tham vọng của chúng tôi là biến AFF Cup thành một giải đấu hấp dẫn của châu Á.
Lâm Thỏa