
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe hồi tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.
Đảng cầm quyền Zimbabwe ZANU-PF ra hạn chót cho để Tổng thống Robert Mugabe từ chức là trưa nay (10h GMT, 17h giờ Hà Nội). Nếu ông không từ chức, ZANU-PF sẽ bắt đầu quá trình luận tội, từ đó phế truất lãnh đạo 93 tuổi này, Reuters đưa tin.
Quốc hội Zimbabwe không hoạt động vào các thứ Hai, do đó, việc luận tội phải chờ đến ngày 21/11. Các cựu chiến binh Zimbabwe, những người có tiếng nói trong việc kêu gọi ông Mugabe từ chức, sẽ họp báo vào 9h30 (7h30 GMT) sáng nay.
Tổng thống Mugabe khiến người dân Zimbabwe bất ngờ khi xuất hiện và có bài phát biểu trên truyền hình cuối ngày 19/11. Ông không đề cập tới việc từ chức, tuyên bố vẫn sẽ chủ trì một đại hội của ZANU-PF vào tháng 12. ZANU-PF đã sa thải ông khỏi vị trí lãnh đạo đảng trước đó vài giờ.
Không lâu sau khi Mugabe phát biểu, Chris Mutsvangwa, lãnh đạo các cựu chiến binh Zimbabwe, nói họ sẽ dẫn đầu các cuộc biểu tình ở Harare, gia tăng áp lực lên tổng thống Zimbabwe.
Ủy ban trung ương ZANU-PF bầu Emmerson Mnangagwa làm lãnh đạo mới. Ông Mnangagwa từng là phó tổng thống Zimbabwe. Ông bị Tổng thống Mugabe sa thải để dọn đường cho Đệ nhất phu nhân Grace kế nhiệm, động thái dẫn đến việc quân đội Zimbabwe phải kiểm soát thủ đô Harare hôm 15/11.
Nhiều người dân ở Harare đưa ra khái niệm "bán dân chủ" cho hành động can thiệp của quân đội. Họ ủng hộ quan điểm của quân đội rằng lực lượng này chỉ giúp thi hành quá trình chuyển giao quyền lực theo hiến pháp, không phải đảo chính.
Như Tâm