Ông Ahmed Hachani, 67 tuổi, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Tunisia vào tháng 8 năm ngoái, sau khi người tiền nhiệm Najla Bouden bị sa thải. Vài giờ trước khi mất chức hôm 7/8, ông Hachani nói trong một video rằng chính phủ đã đạt được tiến bộ trong một số vấn đề, bất chấp những thách thức toàn cầu, trong đó có đảm bảo nhu cầu lương thực và năng lượng của đất nước.
Tổng thống Kais Saied sa thải ông Hachani mà không đưa ra lời giải thích. Bộ trưởng Xã hội Kamel Madouri, người nhậm chức hồi tháng 5, được bổ nhiệm thay thế ông Hachani.
Người tiền nhiệm của ông Hachani là bà Bouden, nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước, cũng từng bị Tổng thống Saied sa thải không lý do vào tháng 8/2023.
Sau khi được bầu làm tổng thống năm 2019, ông Saied bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu chính trị với thủ tướng khi đó Hichem Mechichi và chủ tịch quốc hội lúc bấy giờ Rached Ghannouchi, người đã cản trở các quyết định bổ nhiệm bộ trưởng cũng như ngăn chính phủ giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.
Hiến pháp Tunisia được sửa đổi vào năm 2022, trong đó quyền lực của quốc hội cực kỳ hạn chế. Tổng thống Saied đang tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử ngày 6/10.
Thủ tướng Hachani bị sa thải trong bối cảnh người dân bất bình với cuộc khủng hoảng mất điện và thiếu nước liên tục diễn ra ở nhiều khu vực trên cả nước. Chính phủ cho biết Tunisia đang phải chịu hạn hán liên tiếp dẫn đến thiếu nước, song ông Saied coi việc cắt nước là âm mưu trước cuộc bầu cử tổng thống và cho biết các con đập đều đầy nước.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp cho biết mực nước ở các đập cực kỳ nghiêm trọng, chỉ đạt 25%.
Tunisia là quốc gia bắc Phi giáp với Algeria, Libya và Địa Trung Hải. Nước này có diện tích hơn 160.000 km2 và dân số hơn 11,7 triệu người.
Theo hiến pháp mới của Tunisia, tổng thống được trao quyền lực tối cao đối với chính phủ và ngành tư pháp. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước tổng thống, thay vì trước quốc hội như trước đây. Tổng thống được phép trình dự thảo luật, đề xuất các hiệp ước và soạn thảo ngân sách nhà nước, bổ nhiệm hoặc sa thải thủ tướng, bộ trưởng, đồng thời bổ nhiệm thẩm phán. Trước đó, quốc hội Tunisia đóng vai trò chủ chốt trong việc bổ nhiệm chính phủ.
Tổng thống được phép cầm quyền hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, nhưng có thể kéo dài thời hạn nếu cảm thấy có mối nguy hiểm sắp xảy ra đối với nhà nước. Tổng thống cũng có quyền giải tán quốc hội, song hiến pháp mới không có điều khoản nào cho phép bãi nhiệm tổng thống.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)