Hàng chục nghìn người ngày 31/7 biểu tình tại Cologne, Đức, để phản đối cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vài giờ trước cuộc biểu tình, Đức ban lệnh cấm phát sóng trực tiếp các bài phát biểu từ giới chính trị gia từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Tổng thống Tayyip Erdogan, do lo ngại đám đông thêm phấn khích.
Phát biểu trước hơn một triệu người ở thành phố Istanbul ngày 7/8, Tổng thống Erdogan cho biết Đức đã cho phép các phiến quân người Kurd phát biểu trực tuyến.
"Dân chủ ở đâu?", Reuters dẫn lời ông Erdogan nói. "Hãy cứ để họ nuôi dưỡng những kẻ khủng bố, rồi chúng sẽ quay lại tấn công họ".
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước triệu một nhà ngoại giao Đức để phản đối việc Berlin ngăn ông Erdogan phát biểu với người ủng hộ. Ibrahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, gọi lệnh cấm là không thể chấp nhận được và "vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tập trung". Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói Đức đã áp dụng "tiêu chuẩn kép".
Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ đêm 15/7 và bị trấn áp hoàn toàn vào ngày hôm sau. Gần 250 người thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, không tính thương vong ở phe đảo chính, theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen cùng người ủng hộ ông đứng sau vụ đảo chính. Gulen, hiện ở Mỹ, phủ nhận có liên quan. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/8 phát lệnh bắt ông Gulen với cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính bất thành.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm qua tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc với những "kẻ tạo phản", đồng thời cảm ơn người dân vì đã giúp chấm dứt đảo chính. Tổng thống Erdogan tuyên bố nếu người dân muốn áp dụng lại án tử hình liên quan đến cuộc đảo chính, ông sẽ làm theo ý họ.
Như Tâm