Phát biểu tại một diễn đàn có các phóng viên quốc tế, Tổng thống Benigno Aquino cho hay Philippines đang tìm kiếm một phương thức dàn xếp tranh chấp trên Biển Đông được quốc tế công nhận. Các nước trong khu vực và cả các nước đang sử dụng tuyến đường biển này đều lo ngại các mâu thuẫn có thể leo thang thành bạo lực.
"Điều này ảnh hưởng đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các nước phải lưu thông qua vùng biển đặc biệt này", AP dẫn lời ông nói.
Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan, về tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông nhưng Bắc Kinh từ chối ra tòa. Trung Quốc cảnh báo hành động của Philippines có thể gây tổn hại đến quan hệ hai nước và muốn giải quyết bất đồng một cách song phương.
Philippines và các nước trong ASEAN cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý, tiếp sau Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.
"Ngoài ra, tôi không biết chúng tôi có thể làm gì khác", ông Aquino nói. "Trọng tâm là đạt được một thỏa thuận thông qua các biện pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế".
Tổng thống Aquino cáo buộc Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong đó việc triển khai hai tàu thủy văn gần một giếng dầu trên biển Philippines hồi tháng 6. Ông cho hay mục đích hiện diện của các tàu này là gì hiện vẫn chưa rõ.
Aquino cũng nhận định nếu việc Bắc Kinh cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa là nhằm mục đích quân sự thì đây có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong việc giải quyết các tranh chấp sau này.
"Chúng ta có các vấn đề về cải tạo đất, về các đá, đến nay đá đang bị biến thành đảo", ông nói, nhắc đến hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở ít nhất ba rạn san hô của quần đảo Trường Sa. "Rõ ràng đó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi", ông trả lời trước câu hỏi liệu diện tích được cải tạo để đặt các cơ sở quân sự có gây ra mối đe dọa an ninh với Philippines hay không.
Tổng thống Aquino tái khẳng định các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là "không phù hợp" với thỏa thuận với DOC, trong đó yêu cầu các bên không làm trầm trọng thêm các tranh chấp. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng trên thực địa của các đá ở Trường Sa để gây khó khăn cho tòa án quốc tế và thậm chí là khiến họ không thể đưa ra phán quyết về hiện trạng ban đầu của các thực thể này.
Trước các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Anh Ngọc