"Trong khi thế giới đồng ý áp dụng luật pháp quốc tế và đứng về phía quyền của người Palestine, Mỹ tiếp tục ủng hộ việc chiếm đóng, từ chối buộc Israel phải chấm dứt cuộc chiến diệt chủng. Họ cung cấp cho Israel vũ khí, tiền bạc để giết hại trẻ em, phá hủy nhà cửa của chúng tôi, đồng thời chống lại Palestine trên các diễn đàn quốc tế", Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói trong cuộc phỏng vấn ngày 20/4.
Ông cho biết Palestine sẽ "cân nhắc quan hệ song phương với Mỹ để bảo đảm lợi ích của người dân, sự nghiệp và quyền lợi của nước này được bảo vệ". "Mỹ đã vi phạm tất cả luật pháp quốc tế, từ bỏ mọi lời hứa liên quan đến giải pháp hai nhà nước và nỗ lực đạt hòa bình ở khu vực", Tổng thống Palestine cáo buộc.
Chính phủ Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Ông Abbas đưa ra phát biểu sau khi Mỹ hôm 18/4 dùng quyền phủ quyết để bác dự thảo nghị quyết kêu gọi công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc (LHQ), khi văn kiện được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Anh, Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 12/15 thành viên còn lại của HĐBA ủng hộ.
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood sau đó tuyên bố nước này "tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước", song nhấn mạnh Washington vẫn giữ quan điểm LHQ không phải nơi công nhận nhà nước Palestine. Việc công nhận phải là kết quả từ một thỏa thuận hòa bình với Israel, theo ông Wood.
Tổng thống Abbas chỉ trích động thái của Mỹ là "bất công, vô đạo đức và không chính đáng", trong khi Ngoại trưởng Israel Israel Katz hoan nghênh động thái của Mỹ.
Đại hội đồng LHQ cấp quy chế quan sát viên cho Palestine từ năm 2012. Để được công nhận là thành viên đầy đủ, Palestine trước hết cần nhận được ít nhất 9 phiếu ủng hộ từ các thành viên HĐBA và không có quốc gia ủy viên thường trực nào, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, phủ quyết. Chính quyền Tổng thống Abbas sau đó cần tiếp tục nhận được ủng hộ của 2/3 thành viên trong Đại hội đồng LHQ.
Palestine từng cắt đứt mọi quan hệ với Mỹ vào tháng 1/2020, sau khi từ chối kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đề ra. Kế hoạch đề xuất thành lập nhà nước Palestine phi quân sự, không gồm các khu định cư do người Israel xây dựng trên vùng lãnh thổ họ kiểm soát.
Ông Trump trước đó cũng có nhiều động thái làm phật lòng Palestine như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, dời đại sứ quán Mỹ tại thành phố này và cắt đứt mọi viện trợ cho Palestine.
Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông đã khôi phục quan hệ với chính quyền Tổng thống Abbas và nối lại viện trợ cho Palestine. Tuy nhiên, giới chức nước này cho rằng ông Biden cần phải làm nhiều hơn để khôi phục tiến trình hòa bình ở khu vực.
Ông Abbas tháng 10/2022 từng khẳng định Palestine "không tin tưởng Mỹ" và "không chấp nhận Washington là bên duy nhất giải quyết vấn đề".
Phạm Giang (Theo ToI, Reuters, AFP)