-
11h00
Buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) thực hiện.
2.000 người nghe là các là trí thức, doanh nhân, sinh viên Việt Nam, đại diện các bộ Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, đại diện Ngân hàng Thế giới…
Ca sĩ Mỹ Linh hát quốc ca Việt Nam khai mạc.Ca sĩ Mỹ hát quốc ca Mỹ
Chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng phát biểu khai mạc sự kiện trước khi Tổng thống Obama bắt đầu bài phát biểu của mình, dự kiến lúc 11h55.
-
11h05
Phát biểu khai mạc sự kiện Việt - Mỹ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Vũ Xuân Hồng nhấn mạnh cuộc gặp gỡ này là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ. Trải qua 21 năm bình thường hóa, quan hệ hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ghi dấu ấn là những sự kiện quan trọng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào năm 2015 và Việt Nam đang chào đón Tổng thống Obama trong những ngày này.
"Hợp tác Mỹ là yếu tố quan trọng trong hợp tác châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nhà phân tích cho rằng khó tin được quan hệ hai nước lại phát triển mạnh mẽ, toàn diện đến vậy", ông Hồng nói.
Tổng thống Mỹ dự kiến có bài phát biếu sau 45 phút nữa.
Trước đó, video ngắn nói về chuyến đi xe đạp đường dài của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ Hà Nội vào Huế tháng một vừa qua được trình chiếu trong khán phòng.
Có mặt trước giờ khai mạc sự kiện hơn 2 tiếng, một nữ sinh Đại học Ngoại thương cho biết rất hồi hộp và tự hào khi được tham dự. Cô đã nghiên cứu kỹ tiểu sử của ông Obama và hy vọng có cơ hội đặt câu hỏi với Tổng thống về các vấn đề quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai gần cùng những ấn tượng của ông về Việt Nam.
Khoảng 1.000 sinh viên được mời tham dự chủ yếu đến từ Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học FPT, THPT chuyên Amsterdam... Danh sách do nhà trường chọn lọc và thường là những sinh viên có thành tích tốt trong học tập.
-
11h35
Bài phát biểu của Chủ tịch Vũ Xuân Hồng kết thúc, hội trường im lặng chờ đợi sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ. Một số hãng tin nước ngoài cũng tường thuật trực tiếp về sự kiện trên Fanpage của mình.
Trong khi đó, bên ngoài trung tâm hội nghị quốc gia, trời mưa to, nhiều người dân đứng dọc hai bên chờ đoàn xe Tổng thống đi qua, nhưng lực lượng an ninh nghiêm ngặt, giải tán đám đông.
-
12h00
Đoàn xe hộ tống Tổng thống Obama rời khách sạn Marriott đến Trung tâm hội nghị quốc gia. Trời Hà Nội đang mưa nặng hạt do ảnh hưởng của không khí lạnh.
-
12h05
Trong lúc chờ đợi, Lê Minh Trang, học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết thấy may mắn vì đến kịp giờ để được nghe Tổng thống Obama phát biểu. Sáng nay, Minh Trang dự lễ tuyên dương học sinh giỏi thủ đô của Hà Nội. Em vội tới Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình khi việc kiểm tra an ninh chuẩn bị kết thúc. “Em khá hồi hộp chờ thấy Tổng thống Mỹ ngoài đời nhưng em vẫn mong chờ được nghe bài phát biểu của ông ấy hơn”, Minh Trang nói.
-
12h10
Ông Obama xuất hiện. Toàn hội trường đứng dậy vỗ tay. "Xin chào. Xin chào Việt Nam", Tổng thống thống Mỹ nói to bằng tiếng Việt.
Ông gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự chào đón nồng nhiệt, cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, những người Việt Nam đến từ khắp đất nước, trong đó có những người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng của người dân Việt Nam.
"Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc", ông nói và kể chuyện hôm qua đến thăm phố cổ Hà Nội, được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, ông chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời.
"Tôi chưa thử qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào", ông dí dỏm nói.
-
12h15
Nhắc lại quá khứ huy hoàng của Việt Nam với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Tổng thống Mỹ nói cũng có nhiều thế kỷ, vận mệnh của các bạn lại bị quyết định bởi người khác, đất nước thân yêu của các bạn có lúc không trong tay các bạn.
"Nhưng cũng như những cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời", cả hội trường vang dội tiếng vỗ tay sau khi ông Obama đọc hai câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt.
-
12h20
Nhắc lại cuộc chiến tranh khiến 3 triệu người Việt Nam và 58.315 binh sĩ Mỹ vĩnh viễn không trở về, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Hôm nay chúng ta cùng với nhau, người Việt và người Mỹ, cùng nhận thức nỗi đau và mất mát mà chiến tranh đem đến".
Ông cũng nhấn mạnh những nỗ lực hàn gắn chiến tranh của Mỹ như gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, xóa bỏ dioxin ở sân bay Đà Nẵng và tới đây là sân bay Biên Hòa.
Đặc biệt, ông nhắc tới những cựu binh Mỹ như thượng nghị sĩ John McCain, trung úy Hải quân giờ là ngoại trưởng John Kerry, người thấu hiểu nỗi đau chiến tranh, đã làm mọi cách để hai quốc gia gần nhau hơn.
-
12h25
Tổng thống khẳng định Mỹ đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Rất nhiều khách du lịch đã đến thăm Việt Nam, 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. "Là những người Việt và người Mỹ, chúng ta cách nào đó có liên quan nhau, như câu hát của Văn Cao Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người", câu trích dẫn của ông Obama lại khiến hội trường vang dội tiếng vỗ tay.
"Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Chúng ta đã mất rất nhiều năm để nỗ lực hàn gắn quan hệ. Chúng tôi muốn nói một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng được trước đây: ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau", ông nhấn mạnh.
-
12h30
Tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ ngày càng phát triển, sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp của Mỹ đến Việt Nam. Thế hệ trước đến để chiến đấu, nhưng thế hệ sau người Mỹ đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.
Ông dẫn chứng mùa thu năm nay Đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động tại TP HCM. Đại học này phi lợi nhuận, chất lượng cao sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa hai nước. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu…
Ông vắn tắt nhắc lại kết quả các cuộc hội đàm hôm qua với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, như thống nhất tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Và quan trọng nhất là Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. "Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ Mỹ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam", ông nói.