![]() |
Nixon tin vào sức mạnh ngoại giao. |
Người ta đã tìm được những mẩu giấy ghi nhanh của vị cựu tổng thống Mỹ này, qua đó có thể đoán biết được phần nào tích cách con người ông.
Nixon thường tỏ rõ quan điểm cá nhân ông về vai trò của tổng thống với nước Mỹ đương thời. Đó là việc định ra và tiến hành các chính sách ngoại giao. Nhà chính trị gia này từng thổ lộ: “Nước Mỹ có thể tự vận hành nội bộ mà không cần một tổng thống”. Những mẩu giấy mà ông viết để tự động viên bản thân tại phòng Bầu dục còn lưu lại bút tích:
"Chính sách ngoại giao = sức mạnh.
1. Chiến tranh là khó khăn, nhưng tiềm ẩn thành công. Và kết thúc chiến tranh sẽ từ chối ta cơ hội đó.
2. Phải nhấn mạnh, lòng dũng cảm, sự tự lập...
Biết nhiều hơn người khác... Người lãnh đạo thế giới.
Phục hồi chân giá trị. Người đàn ông của gia đình, không chơi bời, rất nghiêm túc trong công việc, nhưng dí dỏm.
Có trí nhớ, trí thông minh hơn người. Có lý tưởng. Yêu đất nước. Quan tâm tới người nghèo, cụ già. Từ chối bóc lột. Nhưng phải cá tính và nhiệt tình".
Nixon không ưa người Do Thái. Vị cựu tổng thống muốn giúp người da đen vì coi họ thuộc chủng tộc thứ cấp, nên cần được hỗ trợ để duy trì trật tự. Ông kính trọng người Trung Quốc và Nhật Bản, xem họ cao cấp hơn chủng tộc da trắng Cáp-Ca. Theo Nixon, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo phương Tây là phải trì hoãn cuộc chiến chủng tộc mà họ có thể không tránh khỏi thất bại.
Nixon bước vào Nhà Trắng với hy vọng thiết lập trật tự thế giới, thông qua việc cân bằng các đối trọng quyền lực trong mỗi khu vực, gồm Trung Quốc với Nga, Ấn Độ với Pakistan, Israel với thế giới Ảrập. Nhưng bất chấp nghi ngờ về tính sáng suốt của cuộc chiến tại Việt Nam, tổng thống đã lún sâu vào cái được coi là “tiềm ẩn thành công”, khiến 30.000 lính Mỹ chết trận. Chính Nixon có lúc chất vấn mình về vấn đề này, thể hiện qua 2 lời nhắn khó hiểu cho Ngoại trưởng Kissinger vào tháng 10/1969:
“Tôi muốn một báo cáo vắn tắt, dưới 100 từ, nêu rõ lý do chúng ta can thiệp vào Việt Nam. Tôi không chắc chắn sẽ chú tâm đến điểm này, nhưng tôi muốn có chúng để xem xét...”.
“Có thể nào chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu tại Việt Nam?”.
Thắng lợi ấn tượng và thất bại tai tiếng
Nixon là người độc lập, tự tổ chức chiến dịch tranh cử cho mình. Ông có sở thích độc thoại khi bàn luận chính sự với các trợ tá. Nixon coi đối thủ tranh cử Đảng Dân chủ, McGovern (McG), là kẻ gàn dở, còn những người giàu có, đóng góp tiền là kẻ nhạt nhẽo, vô vị, và cảm thấy “rất khó khăn” khi phải tay bắt mặt mừng, giả vẻ quan tâm tới những người này.
Ngày 7/11/1972, Nixon tiến hành vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trên 49 trong số 50 bang, và thắng áp đảo với mức chênh lệch số phiếu lần đầu tiên cao nhất trong lịch sử Mỹ. Nhưng kết quả đó không làm ông hài lòng. Đơn độc trong phòng làm việc, Nixon tìm lời giải thích cho thắng lợi của mình:
"1. McG thua vì phạm sai lầm, không phải vì quan điểm của ông ta, hay sức mạnh của RN.
2. Tỷ lệ phiếu thấp chứng tỏ không ai ưa ứng cử viên nào.
3. RN đã làm thất vọng đảng của mình".
(Theo Newsweek)