"Những thành quả mà chúng ta đã mất nhiều công sức mới giành được sẽ được bảo vệ. Tất cả những người Niger yêu dân chủ và tự do chắc chắn sẽ làm điều đó", ông Bazoum đăng trên mạng xã hội X, tên mới của Twitter, ngày 27/7.
Ngoại trưởng Hassoumi Massoudou cũng đăng trên mạng xã hội kêu gọi "tất cả những người yêu nước và ủng hộ dân chủ" khiến "cuộc phiêu lưu gây nguy hiểm cho đất nước" thất bại. "Nền dân chủ muôn năm, Niger muôn năm", ông Massoudou nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Massoudou cũng khẳng định chính phủ dân cử của Tổng thống Bazoum là "hợp pháp" và đang bị những người theo chủ nghĩa đảo chính chiếm giữ. Ông nói thêm rằng Tổng thống và gia đình ông hiện "có sức khỏe tốt" và vẫn bị quân đội giam.
Trước đó, đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên quân đội Niger, thông báo trên truyền hình nhà nước hôm 26/7 rằng lực lượng quốc phòng và an ninh đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Bazoum. Lực lượng cận vệ và quân đội đang quản thúc ông Bazoum trong Phủ tổng thống. Nhiều người ủng hộ ông Bazoum đến Phủ tổng thống biểu tình nhưng phải giải tán vì quân đội nổ súng cảnh cáo.
Abdramane cáo buộc chính quyền dân sự quản lý yếu kém và khiến tình hình an ninh ngày một xấu đi. Quân đội Niger tuyên bố sẽ đóng biên và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc cho tới khi có thông báo mới. Lực lượng này cũng cảnh báo sẽ chống lại mọi sự can thiệp từ nước ngoài.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "lên án mạnh mẽ sự thay đổi chính phủ vi hiến" ở Niger, đồng thời lo lắng việc Tổng thống Bazoum bị bắt. "Tổng thư ký kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành động phá hoại các nguyên tắc dân chủ ở Niger", phát ngôn viên của ông Guterres cho hay.
Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Niger trả tự do cho ông Bazoum ngay lập tức. "Bạo lực không phải phương tiện để thực thi các lợi ích chính trị hay cá nhân", Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh trong tuyên bố.
Tổng thống của nước láng giềng Benin, Patrice Talon, sẽ tới thủ đô Niamey để nỗ lực hòa giải.
Ông Bazoum, 64 tuổi, nhậm chức cách đây hai năm trong quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên của Niger từ khi độc lập khỏi Pháp năm 1960. Niger là quốc gia Tây Phi không giáp biển, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số hơn 25 triệu người. Nước này giáp với Libya, Mali, Algeria, Nigeria và Chad.
Niger là một trong những nước dễ xảy ra đảo chính nhất trên thế giới. Từ khi độc lập khỏi Pháp, Niger trải qua 4 cuộc đảo chính, cũng như nhiều lần đảo chính bất thành.Cuộc đảo chính gần nhất ở Niger xảy ra vào tháng 2/2010, khiến tổng thống Mamadou Tandja bị lật đổ. Tổng thống Bazoum, 64 tuổi, được bầu năm 2021 và là đồng minh thân cận của Pháp.
Quốc gia này cũng đang vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo, một ở tây nam, tràn vào từ nước láng giềng Mali năm 2015, và chiến dịch ở đông nam, liên quan các tay súng Hồi giáo ở đông bắc Nigeria.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)