Một nguồn tin thân cận với ông Bazoum cho biết các thành viên bất mãn trong lực lượng cận vệ đã chặn lối vào Phủ Tổng thống từ sáng 26/7. Họ giữ ông Bazoum ở bên trong và các nhân viên Phủ tổng thống không được vào văn phòng của họ. Lối vào các cơ quan bên cạnh dinh thự cũng bị phong tỏa.
Giới chức đã tổ chức các cuộc đàm phán nhưng đội cận vệ từ chối thả tổng thống. "Quân đội đã đưa ra tối hậu thư, sẵn sàng tấn công lực lượng cận vệ nếu họ không thay đổi hành vi", nguồn tin cho biết.
Văn phòng Tổng thống Niger thông báo ông Bazoum và gia đình "vẫn ổn", nói rằng một số cận vệ đã bắt đầu "phong trào chống cộng hòa vô ích".
Phóng viên AFP cho biết không có sự triển khai quân sự bất thường hoặc tiếng súng trong khu vực, hoạt động giao thông vẫn bình thường.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), liên minh chính trị và kinh tế khu vực gồm 15 quốc gia, ra tuyên bố lên án "âm mưu đảo chính", kêu gọi lực lượng cận vệ thả ông Bazoum ngay lập tức và vô điều kiện.
Niger là quốc gia Tây Phi không giáp biển có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số hơn 25 triệu người. Nước này giáp với Libya, Mali, Algeria, Nigeria và Chad. Niger là một trong những nước dễ xảy ra đảo chính nhất trên thế giới. Từ khi độc lập khỏi Pháp năm 1960, Niger trải qua 4 cuộc đảo chính, cũng như nhiều lần đảo chính bất thành.
Cuộc đảo chính gần nhất ở Niger xảy ra vào tháng 2/2010, khiến tổng thống Mamadou Tandja bị lật đổ. Tổng thống Bazoum, 64 tuổi, được bầu năm 2021 và là đồng minh thân cận của Pháp.
Niger đang vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo, một ở tây nam, tràn vào từ nước láng giềng Mali năm 2015, và chiến dịch ở đông nam, liên quan các tay súng Hồi giáo ở đông bắc Nigeria.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)