Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25/1. Căng thẳng thương mại, quan hệ ngoại giao xuống cấp, Brexit và tăng trưởng toàn cầu đi xuống sẽ là các chủ đề tâm điểm của sự kiện này. Báo cáo Rủi ro Toàn cầu tuần này của WEF cũng cảnh báo về các thách thức kinh tế đang xuất hiện, một phần do căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc.
Khoảng 3.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức xã hội được dự báo tới đây năm nay. Tuy nhiên, chỉ 3 lãnh đạo đến từ nhóm G7 - Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe, Thủ tướng Đức - Angela Merkel và Thủ tướng Italy - Giuseppe Conte.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump năm nay không đến Davos vì còn giải quyết vấn đề Chính phủ đóng cửa một phần. Thậm chí, Nhà Trắng hôm qua còn thông báo Trump quyết định hủy luôn chuyến đi của đoàn Mỹ tới sự kiện này. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin và Ngoại trưởng - Mike Pompeo được dự báo dẫn đầu đoàn Mỹ.
Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron cũng không tới dự, do cuộc biểu tình của phe "áo vàng" trong nước. Còn Thủ tướng Anh - Theresa May đang chật vật tìm tiếng nói chung với Quốc hội trong vấn đề Brexit.
Lãnh đạo Nga và Ấn Độ đang xa lánh Davos. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình năm nay cử phó tướng đi thay thế.
"Davos sẽ bị phủ bóng bởi mối lo về thị trường chứng khoán, tăng trưởng giảm sút và ngoại giao xuống cấp", Nariman Behravesh - kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết, "Sự hiện diện của các lãnh đạo năm nay ít hơn năm ngoái. Vì thế, những người tới tham dự sẽ phải tìm cách vực dậy niềm tin và xoa dịu mối bận tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư".
Trước khi hủy chuyến đi của đoàn Mỹ, chính quyền Trump cũng cho biết Mỹ dự định thảo luận về tầm quan trọng của việc cải tổ các thể chế quốc tế như WTO, IMF hay World Bank. Ông Trump thường xuyên công khai chỉ trích toàn cầu hóa và đặt dấu hỏi về sự tham gia của Mỹ trong các cơ chế đa phương như WTO, đồng thời kêu gọi cải tổ các quy tắc thương mại quốc tế.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng sự vắng mặt của hàng loạt lãnh đạo cấp cao năm tại tại Davos không có nghĩa diễn đàn này mất đi vị thế hàng đầu. "Abe tới Davos năm nay không chỉ với vai trò Thủ tướng Nhật Bản, mà còn là Chủ tịch G20. Đây sẽ là cơ hội hoàn hảo để đặt nền móng cho các cuộc họp sắp tới của G20", Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết, "Dĩ nhiên, sẽ có một số bất tiện, như không còn cơ hội tổ chức họp đa phương. Nhưng nó sẽ không làm giảm tầm quan trọng của Davos".
Một quan chức Trung Quốc thường xuyên tham dự Davos cho biết Trung Quốc cũng không kỳ vọng đạt tiến triển trong giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ qua sự kiện này.
Còn với các lãnh đạo doanh nghiệp, giá trị của Davos không nằm quá nhiều ở các phiên họp công khai, mà ở cơ hội gặp gỡ và ký hợp đồng bên lề. "Đây là nơi tuyệt vời nhất để tìm kiếm ý tưởng, gây dựng mối quan hệ và quảng bá thương hiệu", Chen Linchevski - CEO Precognize - một startup công nghệ Israel cho biết, "Nó là nơi mà chỉ trong vài ngày, bạn có thể gặp được những người không hề dễ gặp bên ngoài". Để tham dự, Linchevski đã bỏ ra 50.000 franc Thụy Sĩ (hơn 50.000 USD).
Hà Thu (theo Reuters)