"Chính phủ đã từ chức. Hãy tưởng tượng tôi cũng từ chức. Ai sẽ đảm bảo tính liên tục của quyền lực", Tổng thống Lebanon Aoun nói trong cuộc phỏng vấn với kênh BFM của Pháp hôm 15/8, khi được hỏi về khả năng rời nhiệm sở của ông.
Bình luận được ông Aoun đưa ra sau khi chính phủ của thủ tướng Hassan Diab đồng loạt từ chức đầu tuần trước, sau vụ nổ khiến hơn 170 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương ở cảng Beirut, thủ đô Lebanon hôm 4/8. Động thái của ông Diab không xoa dịu được dư luận, khi nhiều người tiếp tục đòi Tổng thống Aoun từ chức do sự quản lý yếu kém của giới chức dẫn đến vụ nổ.
"Nếu tôi từ chức, người ta phải bầu cử ngay lập tức. Nhưng tình hình đất nước hiện nay không cho phép tổ chức các cuộc bầu cử như vậy", ông Aoun nói thêm.
Khi được hỏi về cuộc điều tra vụ nổ Beirut, ông Aoun cho biết sự việc phức tạp và "không thể kết thúc nhanh chóng như chúng tôi mong muốn", thêm rằng ông đã yêu cầu hội đồng tư pháp giám sát cuộc điều tra và kêu gọi một "thẩm phán độc lập" tham gia quá trình điều tra.
Vụ nổ hôm 4/8 ở Lebanon đã phá hủy gần một nửa thành phố và làm bùng lên các cuộc biểu tình bạo lực chống chính quyền. Trong bài phát biểu từ chức chưa đầy một tuần sau vụ nổ, ông Diab mô tả đây là một "thảm họa không thể lường trước" và nói rằng chính phủ của ông chọn "đứng về phía người dân" bằng cách rời nhiệm sở.
Thảm họa đầu tháng 8 giáng thêm một đòn chí mạng vào nền kinh tế Lebanon, vốn phải đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Đồng tiền nước này mất giá khoảng 70% từ tháng 10 năm ngoái và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo một nửa dân số Lebanon rơi vào cảnh nghèo túng năm 2020.
Cộng đồng quốc tế cuối tuần trước đã cam kết viện trợ khoảng 300 triệu USD cho Lebanon. Tham dự hội nghị nhằm viện trợ cho Lebanon do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì có Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nguyên thủ quốc gia khác.
Mai Lâm (Theo CNN)