Chuyên cơ chở Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều tối nay. Tháp tùng ông Tokayev là các quan chức ngoại giao, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp năng lượng, đường sắt và vận tải.
Ông Tokayev thăm chính thức Việt Nam ngày 20-22/8 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tokayev từ khi nhậm chức năm 2019, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Kazakhstan trong 12 năm qua.
Kazakhstan là quốc gia Trung Á có diện tích hơn 2,7 triệu km2 và dân số hơn 19 triệu người. Đây là trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng theo đường bộ từ châu Á qua châu Âu. Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 29/6/1992. Năm ngoái, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ.
Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan, có hiệu lực năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Kazakhstan tăng trung bình khoảng 28% một năm. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 600 triệu USD. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 1,5 tỷ USD vào năm 2030. Bốn tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại song phương đạt 124,2 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, Kazakhstan có 5 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 500.000 USD, tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và công ty quốc gia Kazakhstan Temir Zholy đã triển khai vận chuyển container trong liên vận quốc tế giữa Việt Nam, Trung Quốc, Kazakhstan và Nga.
Cuối năm 2022, đường bay thẳng giữa Almaty và Nha Trang đã được mở. Almaty là trung tâm kinh tế lớn, địa điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia Trung Á. Khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam đạt khoảng 10.000 lượt mỗi năm. Có khoảng 50 người Việt sinh sống tại Kazakhstan.
Vũ Anh