"Tổng thống không chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi. Ông mời Thủ tướng phát biểu trước quốc hội, để có thể đưa ra đánh giá phù hợp về diễn biến tình hình", Văn phòng Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngày 14/7 thông báo.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Draghi đệ đơn từ chức lên Tổng thống do "liên minh đoàn kết dân tộc ủng hộ chính phủ này không còn tồn tại nữa". Chính phủ của Thủ tướng Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ do đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đe dọa rút khỏi liên minh cầm quyền và từ chối tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trở thành tâm điểm cho những căng thẳng trong chính phủ liên minh của ông Draghi, khi các đảng chuẩn bị đối đầu trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra đầu năm 2023.
Một số đảng tại Italy lên tiếng ủng hộ Tổng thống Mattarella ngăn Thủ tướng Draghi từ chức. Bộ trưởng Hành chính công Renato Brunetta, thành viên một đảng trong chính phủ liên minh, khẳng định đất nước đang trong giai đoạn "không thể thiếu ông Draghi".
"Chúng tôi đã lắng nghe những lời chia sẻ từ Thủ tướng Draghi trong Hội đồng Bộ trưởng. Chúng tôi hiểu và tôn trọng quyết định của ông, nhưng chúng tôi cũng có nghĩa vụ thử mọi cách để thuyết phục ông nghĩ lại", Bộ trưởng Brunetta viết trên Facebook.
Ngoại trưởng Luigi Di Maio ủng hộ quyết định của Tổng thống Mattarella, đồng thời mô tả Thủ tướng Draghi là chính khách "quý giá và vững chãi" của chính trường Italy lúc này. "Chúng tôi đang tìm cách giành lại thế đa số cho chính phủ đương nhiệm khi quốc hội họp lại", ông nói.
Phiên họp tiếp theo của quốc hội Italy dự kiến diễn ra vào ngày 20/7.
Căng thẳng chính trị ở Italy lên cao sau khi M5S chỉ trích gói phúc lợi xã hội của Thủ tướng Draghi không thỏa mãn kỳ vọng của đảng này. Gói chính sách phúc lợi đã được quốc hội Italy thông qua hôm qua với 172 phiếu thuận và 39 phiếu chống.
Cựu thủ tướng Italy Giuseppe Conte, lãnh đạo M5S, ngày 13/7 đe dọa rút M5S khỏi liên minh cầm quyền, khi không đạt được thỏa hiệp với Thủ tướng Draghi. M5S là chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, chiếm hơn 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italy sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Trong khi đó, Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu Anh em Italy, đảng đối lập duy nhất vào thời điểm này, đang kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm vì "đất nước đang chìm trong bão tố", cần thay đổi để thích ứng nhiều thách thức trong và ngoài nước.
Ngoại trưởng Luigi Di Maio, người tách khỏi M5S vào tháng 6 và tự lập đảng chính trị mới, chỉ trích diễn biến trên chính trường Italy hôm qua là hành động "vô trách nhiệm đẩy đất nước xuống vực thẳm".
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi được thành lập vào tháng 2/2021 với sự tham gia của đảng M5S, đảng Liên đoàn, đảng Forza Italia, đảng Dân chủ, đảng Italia Viva và đảng Article One.
Thủ tướng Draghi được giới chuyên gia lẫn chính trị gia Italy đánh giá là "lựa chọn an toàn" để lèo lái đất nước hồi phục kinh tế sau khủng hoảng Covid-19.
Ông từng giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu giai đoạn 2011-2019, do đó được tin tưởng sẽ sử dụng các nguồn quỹ Covid-19 từ Liên minh châu Âu (EU) một cách có trách nhiệm. Khi nhậm chức vào năm 2021, ông đã xây dựng nội các gồm thành viên từ nhiều đảng chính trị khác nhau nhằm đảm bảo đoàn kết dân tộc.
Thanh Danh (Theo CNN)