Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong cuộc phỏng vấn trực tiếp đầu tiên trên truyền hình nhà nước ngày 31/8 cho biết nước này cần tới 250 tỷ USD để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, từ mức 4% hiện nay.
Pezeshkian cho biết Iran có thể huy động hơn một nửa trong số tiền này từ nguồn lực trong nước, số còn lại, khoảng 100 tỷ USD, sẽ phải thu hút từ vốn đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia cho biết mức tăng trưởng GDP 8% sẽ giúp Iran kéo giảm lạm phát vốn đã tăng lên mức hai chữ số, cũng như ứng phó với tình trạng thất nghiệp cao.
Kinh tế Iran những năm qua đối mặt rất nhiều khó khăn do hàng trăm thực thể và cá nhân nước này, từ ngân hàng trung ương và quan chức chính phủ tới các nhà sản xuất máy bay không người lái, đều chịu lệnh trừng phạt quốc tế. Nhiều người trong số họ bị cáo buộc hỗ trợ cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các nhóm vũ trang nước ngoài như Hamas, Hezbollah và Houthi.
Phàn nàn về các lệnh trừng phạt này, Tổng thống Iran cho biết chính quyền của ông có kế hoạch cắt giảm lạm phát, hiện ở mức hơn 40% mỗi năm, "nếu chúng tôi giải quyết được vấn đề với các nước láng giềng và thế giới", song không nói rõ.
Tuyên bố của ông Pezeshkian được coi là thông điệp rõ ràng cho thấy Iran sẽ ưu tiên vấn đề kinh tế hơn là gia tăng căng thẳng với các nước trong khu vực, đặc biệt là Israel, cũng như cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây để thu hút đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo Iran cũng cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức là tới nước láng giềng Iraq. Sau đó, ông sẽ bay tới New York, Mỹ để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 22-23/9.
Ông nói sẽ gặp những người Iran sống ở Mỹ để mời họ đầu tư vào quê hương. Trong số hơn 8 triệu người Iran lưu vong, khoảng 1,5 triệu đang sống ở Mỹ.
Bình luận được ông Pezeshkian đưa ra khi quan hệ Iran và Israel chứng kiến nhiều căng thẳng thời gian qua. Iran đã tuyên bố sẽ giáng đòn đau vào Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran cuối tháng 7. Tehran và Hamas cáo buộc Tel Aviv đứng sau vụ ám sát, song Israel chưa thừa nhận hay bác bỏ. Tuy nhiên, Iran cho đến nay chưa tiến hành đòn trừng phạt như tuyên bố.
Masoud Pezeshkian, người được coi là nhà cải cách, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran hồi tháng 7 và được quốc hội phê duyệt nội các vào đầu tháng 8. Ông hứa hẹn sẽ có lập trường ôn hòa hơn cả ở trong nước và ngoài nước.
Người tiền nhiệm Ebrahim Raisi là lãnh đạo có lập trường cứng rắn được Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei hậu thuẫn. Tuy nhiên, ông Raisi đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5.
Nền kinh tế Iran bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2018, sau khi tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp thêm lệnh trừng phạt. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Pezeshkian tuyên bố sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc phương Tây để được nới lỏng lệnh trừng phạt.
Thùy Lâm (Theo AP)