Phát biểu khi tới thăm doanh trại quân đội ở thị trấn miền đông Petrinja hôm 30/1, ông Milanovic nói rằng những khoản hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine "là cực kỳ vô đạo đức vì đó không phải là giải pháp cho cuộc xung đột". Theo ông, sự xuất hiện của xe tăng Đức ở Ukraine sẽ chỉ khiến Nga xích lại gần Trung Quốc hơn.
"Rõ ràng là Crimea sẽ không bao giờ là một phần của Ukraine nữa", ông Milanovic nói thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý. Nga nói rằng cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người Crimea thực sự muốn trở thành một phần của Nga, nhưng động thái này không được hầu hết các quốc gia công nhận.
Các nước phương Tây gần đây cam kết sẽ hỗ trợ loạt xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho Ukraine. Giới chuyên gia quân sự tin rằng những xe tăng này có thể giúp Ukraine củng cố phòng tuyến ở miền đông, cũng như tiến hành các mũi phản công để giành lại lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea.
New York Times ngày 18/1 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết sau nhiều tháng thảo luận với Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden "bắt đầu thừa nhận rằng Kiev có thể cần sức mạnh để tập kích Crimea, dù động thái này có thể làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng".
Tuy nhiên, Điện Kremlin cảnh báo Ukraine tấn công Crimea là hành động "nguy hiểm", có thể đưa xung đột lên một tầm cao mới và ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu cũng như toàn châu Âu.
Ông Milanovic chỉ trích phương Tây sử dụng tiêu chuẩn kép, nói rằng Nga sẽ viện dẫn việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Kosovo độc lập như cái cớ để kiểm soát một số vùng lãnh thổ của Ukraine. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008 sau cuộc chiến tranh 1998-1999, trong đó các nước NATO ném bom Nam Tư, bao gồm Serbia và Montenegro, để bảo vệ vùng ly khai Kosovo với đa số người Albania sinh sống.
"Chúng ta công nhận Kosovo trái với ý muốn của Serbia, quốc gia mà Kosovo thuộc về", ông nói, lưu ý rằng ông không đặt câu hỏi về nền độc lập của Kosovo, mà chỉ nêu khái niệm về "tiêu chuẩn kép" của phương Tây.
Ông cảnh báo các lãnh đạo NATO không nên cho rằng có thể đối xử với Nga như Serbia.
"Hãy hiểu rằng Nga không giống như Serbia", ông Milanovic cho hay. "Đó là thực tế đau lòng, và nguy hiểm. Chúng ta và cộng đồng quốc tế công nhận Kosovo, vùng lãnh thổ được lấy từ Serbia. Chúng ta không làm việc đó sao? Chúng ta không công nhận Kosovo sao?".
Tổng thống Croatia cũng cho rằng việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine trong xung đột với Nga sẽ chỉ gây thêm thương vong và làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Tôi phản đối việc gửi bất kỳ loại vũ khí sát thương nào đến đó", Tổng thống Croatia nhấn mạnh. "Điều đó chỉ khiến cuộc chiến kéo dài thôi".
Milanovic, cựu thủ tướng Croatia từ đảng Dân chủ Xã hội (SDP), duy trì lập trường đối đầu với Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi nhậm chức Tổng thống, vị trí chủ yếu mang tính nghi thức ở Croatia.
Hồi tháng 12, các nhà lập pháp Croatia bác đề xuất tham gia phái bộ của EU để hỗ trợ quân đội Ukraine, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Milanovic và Thủ tướng Andrej Plenkovic.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)