Tổng thống Croatia Zoran Milanovic hôm 18/5 nói với phóng viên rằng việc nước này ngăn NATO kết nạp Thụy Điển, Phần Lan sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang các vấn đề mà người Croatia đang phải đối mặt ở nước láng giềng Bosnia và Herzegovina.
"Đối với tôi, người Croatia ở Bosnia quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga - Phần Lan", ông Milanovic nói, thêm rằng ông có kế hoạch chỉ thị Mario Nobilo, đại diện thường trực của Croatia tại NATO, ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Croatia từ lâu đã than phiền về hệ thống bầu cử ở nước láng giềng Bosnia và Herzegovina, nơi cộng đồng người Croatia đã được công nhận là bình đẳng theo hiến pháp năm 1995.
Croatia yêu cầu Bosnia và Herzegovina cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở đây có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái với quy định hiện hành là được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, vốn lớn hơn nhiều.
Thực tế, quyết định ủng hộ hay phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO không nằm trong tay Tổng thống Croatia, mà do quốc hội Croatia quyết định. Bình luận mới nhất của ông Milanovic làm nổi bật căng thẳng giữa ông với chính phủ của Thủ tướng Andrej Plenkovic, người bị ông cáo buộc không bảo vệ lợi ích của Croatia. Theo Chủ tịch Quốc hội Croatia Gordan Jandrokovic, việc phủ quyết sẽ làm tổn hại vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Ngoại trưởng Croatia Gordan Grlic-Radman nói rằng Đại sứ Nobilo đã được yêu cầu "chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển" và "sẽ được ủy quyền ký một nghị định thư trong vài ngày tới". Quốc hội Croatia "hoàn toàn chắc chắn" sẽ phê chuẩn, Grlic-Radman nói thêm.
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Denis Avdagic cho rằng chính phủ có thể kêu gọi bãi nhiệm Tổng thống Milanovic. "Tôi hy vọng chính phủ và Tổng thống có thể đạt đồng thuận trên cơ sở lợi ích quốc gia", Avdagic nói.
NATO hôm qua xác nhận Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó đã chặn cuộc thảo luận giữa các đại sứ NATO về tiến trình kết nạp hai quốc gia Bắc Âu, làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu NATO có thể thông qua giai đoạn đầu tiến trình xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan trong 1 - 2 tuần, như Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã nêu. NATO không thể kết nạp thành viên mới nếu toàn bộ 30 thành viên hiện nay không đồng ý.
Theo ông Milanovic, Thổ Nhĩ Kỳ đã "chỉ ra cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia". Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ các nhóm bị nước này coi là khủng bố nếu muốn gia nhập NATO.
"Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không dao động trước khi đạt được những gì họ muốn", Tổng thống Croatia nói.
Quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai nước Bắc Âu có thể kéo dài khoảng một năm, dù Phần Lan và Thụy Điển được cho là đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên NATO.
Trước khi quyết định xin gia nhập NATO, Phần Lan đã duy trì chính sách không tham gia liên minh quân sự 75 năm trong khi Thụy Điển thực hiện chính sách này suốt hai thế kỷ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc mở rộng NATO thực sự "là một vấn đề", cho rằng động thái này là vì lợi ích của Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong khi đó cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO sẽ không tạo ra nhiều khác biệt, nhấn mạnh Moskva sẽ quan sát cách NATO sử dụng lãnh thổ của hai quốc gia Bắc Âu để "đưa ra kết luận của mình".
Huyền Lê (Theo ABC, Anadolu Agency, RT)